Hai nữ tiến sỹ theo đuổi nuôi tôm vi sinh
Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học (chất vi sinh) đảm bảo an toàn sinh học là xu hướng hiện đại đang lan rộng ở nước ta.
Tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học, khi chế biến có màu đỏ đẹp.
NNVN giới thiệu hai gương mặt điển hình nghiên cứu và thực hiện nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học cần được phổ biến rộng.
Sản xuất vi sinh bản địa
Từ ngày 11/11/2019, chế phẩm sinh học của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được lưu hành toàn quốc, sau gần một năm sử dụng thành công trên mấy trăm héc-ta nuôi tôm của Tập đoàn.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế phẩm Sinh học của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tiến sỹ Mai Thi cho biết: “Chế phẩm của chúng tôi đạt 1012 CFU/ml, tức là trong một mi-li-lít có nghìn tỷ con vi khuẩn có lợi, không thua các nước tiên tiến”.
Tiến sỹ Mai Thi giải thích: Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học là phương thức nuôi tôm an toàn sinh học, không dùng kháng sinh, không sử dụng thuốc hóa học, con tôm có chất lượng như tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa). Bởi vì trong tự nhiên có rất nhiều loài vi khuẩn, có lợi lẫn có hại và thường tồn tại cân bằng, nhưng nếu loài có hại vượt trội sẽ gây ô nhiễm môi trường, sinh ra dịch bệnh.
Thời gian qua, quá trình phát triển nuôi tôm đã đưa ra môi trường nhiều chất thải cùng biến đổi khí hậu làm chất lượng nước suy giảm, dịch bệnh xảy ra và khi tôm bị bệnh, lại sử dụng kháng sinh kéo dài gây thêm bất lợi cho môi trường, còn tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa của con tôm, kết quả là dịch bệnh lan tràn.
Còn dùng chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường, cũng theo Tiến sỹ Mai Thi là tăng các loài vi khuẩn có lợi để đưa môi trường trở về trạng thái cân bằng. Tiến sỹ Mai Thi và cộng sự nghiên cứu ruột nhiều con vật như sùng đất, giun… để tuyển chọn vi khuẩn có lợi làm chế phẩm. Những vi khuẩn này là vi khuẩn bản địa nên khỏe hơn vi khuẩn trong chế phẩm nhập ngoại, vòng đời dài và còn có thể phục tráng khi bị thoái hóa.
Tiến sỹ Mai Thi trước đây ở một cơ quan của tỉnh Sóc Trăng từng chủ trì nghiên cứu chế phẩm sinh học được nhiều giải thưởng và từ tháng 4/2019, về Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xây dựng Công ty TNHH Sản xuất Chế phẩm Sinh học. Vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa tuyển chọn nhân sự, sau 3 tháng, sản xuất được mẻ chế phẩm đầu tiên, sử dụng nuôi 3ha tôm sú ở xã Thạnh Thới Thuận (Trần Đề, Sóc Trăng) đạt kết quả tốt.
Lập tức, công suất nâng lên để sử dụng cho 700ha nuôi tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn ở tỉnh Kiên Giang. Vì nhà máy sản xuất ở tỉnh Hậu Giang, cứ được 500kg chế phẩm sinh học là Tiến sỹ Mai Thi đem lên xe chở về Kiên Giang, đưa vào phòng thí nghiệm pha chế theo yêu cầu sử dụng cho từng ao nuôi và từng lứa tôm. Kết quả nâng cao được chất lượng tôm, hạ giá thành sản xuất.
Khi được lưu hành toàn quốc, Công ty TNHH Sản xuất Chế phẩm Sinh học Minh Phú có 12 chế phẩm, gồm 4 chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường và 8 chế phẩm nuôi tôm.
Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm trên diện tích của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có đội ngũ kỹ sư thành thạo, còn Tiến sỹ Mai Thi tập trung đưa đến ao tôm của đông đảo nông dân đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với Tập đoàn. Tiến sỹ Mai Thi tâm sự: “Tôi sẽ đồng hành cùng nông dân làm giàu”.
Nghiên cứu sử dụng vi sinh
Tiến sỹ Lê Thị Hải Yến ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TCty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) lại có nhiều nghiên cứu về sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm.
Tiến sỹ Mai Thi với tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Tiến sỹ Hải Yến giải thích, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm có hai nhóm: Chế phẩm sinh học cho xử lý môi trường và chế phẩm sinh học hỗ trợ hệ tiêu hóa tôm. Các chế phẩm sinh học có thể ở dạng lỏng hoặc hạt, bột mịn có chứa các thể vi sinh vật hữu ích.
Vai trò của chế phẩm sinh học trong hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm, theo Tiến sỹ Hải Yến, có kích thích miễn dịch đường tiêu hóa của tôm, tiết ra các hợp chất chống lại vi khuẩn gây bệnh và còn cạnh tranh dinh dưỡng, cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại khiến vi khuẩn có hại không phát triển được. Sử dụng chế phẩm sinh học bằng cách đưa vào cơ thể tôm như bổ sung thức ăn, ngâm, bổ sung vào ao nuôi; sử dụng thường xuyên hoặc định kỳ đều là những quy trình chặt chẽ có tính quyết định thành công nuôi tôm an toàn sinh học.
Đặc biệt, các chế phẩm sinh học được sản xuất từ các lợi khuẩn bản địa luôn có ưu thế về sự thích nghi và là ưu tiên lựa chọn của người nuôi tôm. Tiến sỹ Hải Yến giải thích cụ thể: “Trong nhiều trường hợp, các lợi khuẩn trong chế phẩm sinh học không thích nghi với môi trường bản địa, cho nên dù sản phẩm được chứng minh là hiệu quả tại quốc gia đã sản xuất ra chúng nhưng lại phát triển chậm hoặc chết ngay khi đưa vào môi trường ao nuôi tại Việt Nam nên không tạo được tác dụng như mong muốn”. Do đó, trong sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm, ngoài thời điểm, liều lượng và thời hạn thì sự thích nghi đóng vai trò quyết định thành công.
“Tóm lại, chế phẩm sinh học chỉ có kết quả tốt và đạt được như kỳ vọng trong trường hợp ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường bản địa”, Tiến sỹ Hải Yến nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ