Hải sâm cát giúp làm giảm ô nhiễm, tăng lợi nhuận
Hình thái, phân bố
Hải sâm bổ dưỡng như như sâm, lưng có màu xám đậm hoặc đen, bụng trắng, cơ thể giống quả dưa chuột, dài trung bình 20 cm, da sần sùi, hơi nhám và mềm. Thân hải sâm phía ngoài có nhiều u bướu sần sùi trông như con đỉa nên thường gọi là đỉa biển. Hải sâm không có đầu đuôi riêng biệt. Chính giữa phần đầu trước có một lỗ miệng nhỏ, xung quanh miệng mọc 5 – 10 tua nhỏ. Phần đầu sau của hải sâm có lỗ hậu môn và cơ thể không có mắt.
Trên thế giới, hải sâm phân bố ở vùng biển thuộc các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Ở nước ta, hải sâm phân bố nhiều tại vùng biển đảo Cô Tô, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu…
Sinh trưởng, dinh dưỡng
Hải sâm có tập tính sống đáy ở các vùng nước biển nông, vũng, vịnh có nhiều đá ngầm, độ mặn 15 – 30‰, pH 7,5 – 8,5, nhiệt độ nước thích hợp 26 – 290C, nền đáy nhiều cát hoặc san hô chết ở độ sâu 2 – 5 m.
Thức ăn của hải sâm là xác chết động vật, thực vật phù du, chất hữu cơ và vi sinh vật dưới đáy biển. Hải sâm còn có cách bắt mồi khác là nằm trong sóng sử dụng các xúc tu để bắt những loài sinh vật trôi nổi. Do sử dụng thức ăn là mùn bã hữu cơ và xác động vật chết ở nền đáy nên hải sâm cát giúp nền đáy sạch hơn, hạn chế ô nhiễm nước.
Trong điều kiện nuôi, ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn.
Sinh sản
Cơ thể hải sâm chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột. Trứng và tinh trùng cùng ở một tuyến sinh dục, nhưng hình thành ở từng thời điểm khác nhau.
Hải sâm thành thục sau 1,5 – 2 năm, kích cỡ 250 – 300 g/con, mùa sinh sản từ tháng 3 – 7. Vào thời gian sinh sản, hải sâm thường tập trung lại, khi có sự thay đổi của môi trường nước (như nhiệt độ, độ mặn…) thì con đực phóng tinh trước vào nước và con cái sẽ phóng trứng sau khoảng 30 phút; trứng và tinh trùng gặp nhau trong nước, thụ tinh và sau 30 – 36 giờ, trứng nở thành ấu trùng, chúng sử dụng tảo đơn bào làm thức ăn và biến thái chuyển xuống sống đáy, sử dụng tảo đáy làm thức ăn. Sau 25 – 30 ngày, ấu trùng chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ, xác động vật chết và sinh vật phù du.
Nuôi thương phẩm và giống
Hiện nay, hải sâm đang được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau, như nuôi đăng lồng, đáy, ao đầm ven biển, trong đó nuôi ao đầm là chủ yếu. Trong ao đầm, hải sâm được nuôi theo dạng bán thâm canh và thả ghép với các loài nuôi khác (như ốc hương, tôm sú, rong câu…).
Với con giống cỡ 6 cm (10 g/con) giá 8.000 đồng/con, mật độ thả 1 – 2 con/m2 thả giống từ tháng 3 – 5; sau 8 – 10 tháng nuôi có thể đạt cỡ 150 – 250 g/con, tỷ lệ sống 70%, năng suất 2,5 – 3 tấn/ha, giá bán 150.000 – 200.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 350 – 600 triệu đồng/ha.
Nguồn hải sâm giống những năm về trước chủ yếu là đánh bắt ngoài tự nhiên. Năm 2012, quy trình sinh sản nhân tạo hải sâm cát đã được thực hiện thành công tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Khánh Hòa) và Công ty TNHH Hải Nam Okinawa (Bình Thuận). Hiện, quy trình này đã được hoàn thiện, chuyển giao cho một số địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu giống cho các hộ nuôi.
Tags: hai sam tren cat, giam o nhiem, nuoi trong thuy san, hai sam
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao