Hạn hán khốc liệt, trâu bò phải uống nước mặn qua ngày
Bò, tôm khát nước ngọt
Huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là nơi có đàn bò tập trung lớn nhất khu vực ĐBSCL. Tại thời điểm này, nỗi lo nhất của địa phương này là cứu cho bằng được trên 80.000 con bò của người dân trong cảnh khát nước ngọt.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ba Tri cho biết: “Huyện Ba Tri là địa phương có số lượng bò nuôi lớn nhất tỉnh Bến Tre. Theo đó, mỗi con bò cần hàng chục lít nước ngọt/ngày, nhưng khổ nỗi ngay cả con người còn không có nước để dùng trong sinh hoạt, phải mua với giá cao (100.000 đồng/m3), chứ nói gì đến bò”.
Trước tình cảnh nguy cấp, để cứu bò, người dân chỉ còn cách đổ nước ngọt rồi pha lẫn với nước mặn theo tỷ lệ 50/50 cho bò uống. Ông Nguyễn Văn Đỗ ngụ ở ấp Tân An, xã Tân Xuân, cho biết: “Hằng ngày, ông phải vận chuyển nước ngọt (mua từ nhà máy nước) với đoạn đường xa khoảng 4km đến chuồng bò, sau đó pha với nước mặn ở dưới ao gần đó cho hàng chục con bò uống cầm chừng”.
“Đây là cách duy nhất để cứu bò, chứ biết làm như thế nào bây giờ. Mấy con bò của tôi uống nước pha đã có biểu hiện sụt giảm sức khoẻ nhưng cũng đành chịu, bởi nơi đây đang thiếu ngọt trầm trọng” – ông Đỗ cho biết thêm.
Không chỉ thiếu nước ngọt cho bò uống, hạn mặn khiến lượng rơm làm thức ăn cho bò ăn thiếu trầm trọng. Nhiều gia đình không có khả năng nuôi tiếp trong thời gian hạn, mặn này đã bán bớt lượng bò nuôi với giá thấp. “Nguồn rơm quá thiếu hụt nên một số lượng bò đã bị bán với giá thấp. Trung bình 1 con bò người dân mất khoảng 10 triệu đồng” – ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói.
Hạn, mặn bủa vây còn khiến cho người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang thấp thỏm âu lo, nguy cơ tôm chết hàng loạt do độ mặn nước tăng cao, kèm theo nắng nóng kéo dài. Theo ngành nông nghiệp các địa phương, số diện tích nuôi tôm bị thiệt hại đã lên đến hàng chục nghìn ha và dự báo thiệt hại sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Tình trạng trên đã làm giảm đáng kể sản lượng tôm của vùng.
“Những ngày này nước mặn tăng cao nên 3 vuông tôm của gia đình tôi đã có hiện tượng đỏ đầu, phát sinh bệnh. Một số hộ nuôi gần tôi đã xảy ra tình trạng tôm chết gần 1 tháng qua”.
Ông Lê Hoàng Minh (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau)
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, do mặn xâm nhập sớm, kéo dài nên độ mặn trên các ao nuôi tăng cao, vượt quá ngưỡng cho phép để con tôm có thể thích nghi, phát triển bình thường. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A có 63.000ha, trong đó đã có khoảng 6.000ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Còn tại Cà Mau, đến nay cũng đã có 2.709ha diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh bị thiệt hại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là con tôm. Do độ mặn cao kết hợp với nắng nóng kéo dài nên dịch bệnh phát sinh gấp 3 lần các năm trước”.
Đua nhau khoan giếng tìm nước
Để có nước phục vụ cho chăn nuôi, sản xuất, trước khi nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo từ T.Ư, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương đưa nước ngọt từ huyện Châu Thành (do Nhà máy Nước BOO Đồng Tâm cung cấp) về phục vụ cho trên 42.000 hộ dân ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công. Đồng thời, lắp trên 80 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho gần 7.000 hộ dân vùng cù lao, vùng ven biển. Riêng huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh sẽ dùng 8 sà lan chuyển nước ngọt từ TP. Mỹ Tho về hỗ trợ cho dân.
Theo ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, vài tháng tới đây, tỉnh sẽ triển khai dự án kéo đường ống nước từ huyện Gò Công Tây vượt sông Tiền qua huyện Tân Phú Đông để cung cấp nước sạch cho khoảng 11.000 hộ dân.
Đối với các địa phương không lấy được nguồn nước ngọt từ các địa phương khác về, ngành chức năng đã chỉ đạo khoan giếng ngầm. Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin, ngoài việc chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các công trình thủy lợi còn dang dở, công trình ngăn mặn đang có, tỉnh cũng đưa ra giải pháp tình thế là khoan thêm giếng ngầm.
Được biết, hiện Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đang khoan 16 giếng nước ngầm để bổ sung nguồn nước dự trữ khi nước mặt bị nhiễm mặn. Khi hoàn thành, 16 giếng sẽ cung cấp từ 16.000 - 20.000m3 nước/ngày đêm.
Cũng như các địa phương trên, để có nước cho sản xuất và sinh hoạt, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng chỉ đạo khoan 8 giếng nước ngầm tại các địa phương như TP.Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành.
“8 giếng này có thể cung cấp khoảng 22.000m3/ngày đêm. Nếu không có những giếng khoan trên, tình trạng hạn, mặn tiếp tục diễn biến như dự báo thì các nhà máy nước trong tỉnh sẽ thiếu hụt khoảng 16.000m3 nước/ngày đêm” - ông Lê Phước Đại – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ