Hạn mặn tôm khan hiếm
Giá tôm tươi trên thị trường bỗng dưng vụt tăng cao trong khoảng hơn một tuần trở lại đây. Tại nhiều chợ ở Hà Nội, giá tôm không những đội lên thêm 40% mà còn rất hiếm. Lý giải nguyên nhân giá tôm tăng vọt những ngày qua, một số hộ nuôi tôm tại ĐBSCL cho hay, do hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, khiến cho các nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, độ mặn đo được ở các vùng nuôi tôm giao động khoảng 20 - 25‰, nếu thả tôm lúc này sẽ bị chết, so với lịch thời vụ đã trễ gần 2 tháng.
Giá tôm tăng đột biến
Khảo sát tại nhiều chợ nội thành Hà Nội, thời điểm này giá tôm tươi đã đội lên quanh mức 170.000 đồng – 250.000 đồng/kg tôm tùy loại. Chị Lan Anh, người dân ở phố Pháo Đài Láng, Hà Nội cho biết, hơn một tuần qua, đi lùng mua tôm sú cỡ khoảng 15 con/kg rất hiếm và nếu có thì giá rất cao, tới 450.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của chị Lan Anh, mức giá này là đã tăng lên tới 30 - 40% so với khoảng trước đó một tuần.
Tại một số chợ đầu mối lớn như chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, giá các loại tôm cũng đã được đẩy lên thêm khoảng 50.000 đồng – 70.000 đồng/kg. Theo đó, tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội), giá tôm giá tôm rảo được bán dao động quanh mức 170.000 - 250.000 đồng/kg, tuỳ loại to nhỏ, với mức giá này là tăng khoảng 70.000 đồng/kg; giá tôm thẻ tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg; tôm đồng loại to, tôm đồng loại trứng cũng tăng thêm khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân giá tôm tươi tăng đột biến, bà Bùi Thị Lụa, tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở cho hay, hiện nay đang là thời điểm cuối vụ, các điểm nuôi tôm ở miền Bắc đã thu hoạch gần hết nên đây chính là thời điểm khan hiếm hàng nhất.
Thêm vào đó, năm nay Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn nặng nề, hạn hán kéo dài nên cũng bị thất thu nặng vụ tôm. Thành ra thị trường “khát” tôm, do đó giá cũng bị đẩy lên cao.
Tình trạng tôm “sốt giá” trên thị trường cũng diễn ra tương tự tại nhiều địa phương. Khoảng 1 tuần trở lại đây người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếc rẻ khi giá tôm tăng đột biến. Hiện tại thương lái đang len lỏi xuống các vùng nuôi tôm như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… để tìm mua nhưng rất khan hiếm.
Trong khi đó người dân ngậm ngùi không có tôm để bán. Tại Sóc Trăng, thương lái xuống tại các vuông (đầm) tôm tìm mua với giá lên tới 300.000 đồng/kg, còn tôm ướp đá loại 30 con/kg cũng đang nằm ở mức cao 160.000 - 170.000 đồng/kg.
Xã Gia Hòa của huyện Mỹ Xuyên nổi tiếng với vùng nuôi tôm thẻ, hỏi thăm những người dân nuôi tôm ở đây ai cũng nói giá tôm thẻ hiện ở mức cao từ 180.000 - 190.000 đồng/kg (đối với tôm 30 con/kg – PV), với giá này tăng cao hơn tháng trước 30.000 đồng/kg, trong khi giá vẫn còn cao vì tôm không còn để bán.
Anh Hoàng Anh, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên tiếc nuối khi: Lịch thả tôm đã trễ 2 tháng nhưng vẫn không dám thả thì nước vẫn còn mặn cao. Do vùng này nuôi nhiều nên ngày nào cũng có thương lái tới hỏi mua tôm, nhưng giờ còn tôm đâu mà bán...
Còn ở Bến Tre do xâm nhập mặn từ khá lâu trong khi độ mặn vẫn không thuyên giảm, người dân nuôi tôm cũng không dám thả giống mới. Do địa bàn nằm sát với TP. Hồ Chí Minh nên thương lái xuống tìm mua để bỏ mối cho các nhà hàng rất nhiều, thậm chí còn trả giá cao hơn vài chục ngàn để có tôm ngon.
Hiện tại thương lái tìm mua tôm sú loại 20 con/kg với giá từ 350.000 đồng/kg trở lên, loại 30 con/kg giá 270.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg giá 110.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá 120.000 đồng/kg… tăng 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ và cao nhất trong khoảng 2 năm qua.
Thương lái thu mua tôm ở Sóc Trăng.
Nguy cơ tiếp tục giảm diện tích nuôi tôm
Ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Năm nào cũng vậy, tôm tăng giá là do hết thời vụ. Tuy nhiên năm nay có khác là do thời tiết khắc nghiệt hạn hán, xâm nhập mặn khiến cho quy trình nuôi tôm bị thay đổi. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên vội thả giống mà chờ tới thời điểm thuận lợi, có mưa, có thể từ đầu tháng 6-2016. Nếu thả giai đoạn này thì càng thiệt hại…
Theo ông Ngôn Thanh Lĩnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, công suất chế biến của các nhà máy thủy sản trên địa bàn rất lớn, trong khi lượng tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất. Thời tiết đang rất bất lợi, tôm nuôi bị thiệt hại càng nhiều do hạn hán. Ông Lĩnh lo lắng nếu thời tiết cứ khó khăn như thế này thì khoảng một tháng nữa sẽ dẫn tới tình trạng các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu như vậy sẽ càng khó khăn hơn…
Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân thời gian qua, đặc biệt là đối với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là lý do khiến lượng tôm cung cấp ra thị trường ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá tôm lên cao, đặc biệt lại đang là thời điểm giao vụ.
Tại vựa tôm Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến hết tháng 3/2016, toàn tỉnh có gần 3.000ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh; trong đó, có 2.800ha nuôi quảng canh và 200ha nuôi công nghiệp. Tình cảnh tương tự diễn ra tại nhiều địa phương khác thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đơn cử như Đồng Tháp, Cần Thơ… diện tích nuôi tôm càng xanh cũng giảm mạnh do nắng hạn.
Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 12/2015 đến tháng 3-2016, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên hầu hết các địa phương chỉ thả nuôi tôm nước lợ khoảng 70 - 80% diện tích so với cùng kỳ và lượng tôm giống chỉ đạt 50%. Thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết tháng 3/2016, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do dịch bệnh là hơn 4.720ha. Cơ quan Thú y cảnh báo, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi diện tích thả nuôi tăng lên cùng với xâm nhập mặn lan rộng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ