Hàng Rào Kỹ Thuật Thương Mại Nắm Không Chắc Sẽ Gặp Khó
Dày hàng rào kỹ thuật
Một hai năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu ở tỉnh không thuận, nhất là ở nhóm hàng nông, thủy sản. Việc sụt giảm kim ngạch, gián đoạn thị trường hoặc mất thị trường đã xảy ra.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ví đơn vị như vận động viên leo núi, phải vượt qua hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác. Thực tế, chẳng nói quá chút nào. Điển hình như các nhóm mặt hàng thủy sản hết rắc rối với dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm (Chloramphenicol, Trifluralin, Enthoroxacin) lại đến quy định IUU…
Rồi mặt hàng thanh long xuất khẩu gặp trở ngại về vấn đề chiếu xạ, gia nhiệt, ruồi đục quả, dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc, Luật FSMA của Hoa Kỳ… Vì thế, không ít doanh nghiệp chưa mạnh thường dừng lại trước những hàng rào trên.
Việt Nam gia nhập WTO, cũng có nghĩa doanh nghiệp trong nước nói chung chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng về chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi, trình độ công nghệ, quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp khó có thể áp dụng ngay tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm của mình thì hàng rào kỹ thuật thương mại ngày càng nhiều.
Theo báo cáo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến hết năm 2013, các nước thành viên WTO đã xây dựng và ban hành 17.418 quy định mang tính hàng rào kỹ thuật thương mại. Đáng ngại hơn, các hàng rào kỹ thuật có xu hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể năm 2012 có 1.571 hàng rào kỹ thuật mới, năm 2013 là 1.626 hàng rào kỹ thuật mới.
Kết nối chưa liền
Những khi trên trang web của WTO thông báo hàng rào kỹ thuật thương mại mới, Phòng TBT Bình Thuận (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) sẽ tập hợp, chọn những thông báo liên quan gởi đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh để dịch rồi gửi email đến các doanh nghiệp, cũng như sau đó đăng tải trên website của chi cục.
Mỗi năm, có đến 1 - 2 ngàn thông báo của các nước thành viên WTO, vì vậy phòng chỉ chọn dịch vài trăm thông báo liên quan. Với những hàng rào kỹ thuật ảnh hưởng trên diện rộng thì tổ chức tập huấn, hội thảo nhưng số doanh nghiệp tham gia ít.
Riêng về hoạt động hỏi đáp về TBT, từ khi triển khai đến nay không có doanh nghiệp xuất khẩu nào thắc mắc. Tiếp đến, gửi phiếu khảo sát đến thẳng doanh nghiệp có địa chỉ email, như trong 2 năm 2013, 2014 thì cũng chỉ có 1/17 doanh nghiệp thông báo có gặp phải khó khăn về rào cản kỹ thuật trong thương mại. Điều đó trái ngược với thực tế thời gian qua, khi nhìn vào các biến động của hoạt động xuất khẩu ở tỉnh.
Theo Phòng TBT Bình Thuận, việc kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu chưa sâu hay các doanh nghiệp chưa mặn mà với các hoạt động về TBT có nhiều nguyên nhân. Hiện nay, việc hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, ngoài cơ quan TBT, còn có các cơ quan như: thương vụ, xúc tiến thương mại – đầu tư và công cụ rất hữu ích là mạng internet.
Với một số doanh nghiệp lớn, có sự hợp tác với các tổ chức tư vấn luật pháp và có mối liên hệ thường xuyên với đối tác ở nước ngoài để nắm rõ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu nên cũng không nhất thiết qua phòng TBT. Một thực tế khác là doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các đơn vị có quy mô hoạt động nhỏ và vừa, phần lớn còn gia công, xuất khẩu thông qua trung gian mà chưa xuất khẩu trực tiếp...
Vẫn có lối đi riêng
Khảo sát trong đầu năm 2014 của Phòng TBT Bình Thuận cho hay: Trong số 50 doanh nghiệp xuất khẩu thì 13 doanh nghiệp cho biết rào cản của thị trường đơn vị đã xuất hàng.
Chẳng hạn, thị trường EU, Italia, Nhật, Israel đòi hỏi mực đông lạnh xuất xứ Việt Nam phải đáp ứng quy định về chỉ tiêu vi sinh (TPC, E.coli, Staphylococcus auresu, Salmonella, Listeria monocytogenses), chỉ tiêu hóa học (kim loại nặng, TVB-N, Chloramphenicol).
Với thị trường Hàn Quốc, mặt hàng mực khô lột da buộc phải kèm theo chứng thư của Nafiquad cấp. Phải thể hiện đầy đủ về mã số lô hàng sản xuất, ngày sản xuất, tên sản phẩm, nhiệt độ, điều kiện bảo quản, trọng lượng tịnh, kích cỡ, tên công ty, mã số cơ sở sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cho biết, 2 thị trường Trung Quốc (xuất chính ngạch), Inđônêxia đòi hỏi sản phẩm phải đúng kích cỡ, đúng số lượng; mẫu mã đẹp (đỏ, bóng, tai xanh); chế độ bảo quản (độ lạnh đúng yêu cầu…); sản phẩm phải có mã số nhà đóng gói, mã số xuất xứ.
Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã xuất hàng vào các thị trường khó tính và nhìn nhận của Phòng TBT Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn có lối để vượt qua các hàng rào kỹ thuật thương mại của các nước thành viên WTO được.
Tất nhiên cần phải có tiềm lực vốn để đầu tư thiết bị, học hỏi và sản xuất theo bộ tiêu chuẩn công nghệ của các nước tiên tiến nhưng khi sử dụng, các doanh nghiệp cần phải chọn đúng những nước tiêu biểu vì hàng hóa của họ có ảnh hưởng lớn đến khu vực và các nước trên thế giới.
Chẳng hạn, ở châu Á nên chọn bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản; ở Bắc Mỹ chọn tiêu chuẩn của Mỹ; châu Âu thì tiêu chuẩn chung từ EU.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ