Hàng Tấn Cá Nuôi Chết Trắng Vịnh Mân Quang
Trong nhiều ngày qua, hàng tấn cá nuôi trong các lồng bè của gần 30 hộ dân tại khu vực vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị chết ngửa bụng, phơi trắng một vùng vịnh và bốc mùi hôi thối. Thiệt hại lớn khiến các hộ dân hết sức lo lắng vì số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cá chết nổi trắng vịnh
Sáng 10-7, dẫn chúng tôi ra “mục sở thị” tại khu lồng bè nuôi cá của mình, anh Trần Văn Nữa (phường Mân Thái) buồn rầu cho biết, chỉ trong đêm ngày 9-7 đến sáng 10/7, gia đình anh đã phải vớt hàng chục lần nhưng xác cá vẫn tiếp tục nổi lên trắng bè và bắt đầu dạt vào ven bờ vịnh, bốc mùi hôi thối.
Anh Nữa cho hay, gia đình anh có 3 bè (36 lồng) với số lượng 9.000 con cá diêu hồng, mú, dìa, khế… với số vốn đầu tư khoảng 500 - 600 triệu đồng/bè. Vậy mà mấy bữa nay, cá chuẩn bị được thu hoạch thì lại bị chết trắng, phải vớt đem đi chôn. “Bữa trước, cách đây gần 1 tuần, bè tôi bị chết hơn 2.000 con rồi mấy bữa sau chết rải rác. Trong đêm qua tới sáng 10/7, có thêm hơn 1.000 con bị chết trắng bụng. Tui vớt sáng tới giờ mà vẫn chưa hết”, anh Nữa nói.
Ngay sát cạnh đó, ông Lê Đức Bụi (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng đang lúi húi dùng vợt để vớt từng xác cá của bè gia đình chết nổi trắng xung quanh. Sau đó, ông chở số cá này vào chôn tại bãi cát sát bờ vịnh. Ông Bụi cho hay, gia đình chỉ nuôi 1 bè (khoảng 100m2) nhưng tổng vốn đầu tư cũng gần 300 triệu đồng. Cách đây vài ngày, cá của hộ gia đình ông cũng bất ngờ chết hàng loạt, ước tính khoảng 700kg cá thương phẩm, số tiền thiệt hại khoảng trên 100 triệu đồng. “Cá chết trắng, thối quá nên chỉ biết chôn chứ không biết làm gì”, ông Bụi rầu rĩ nói.
Hầu hết các hộ nuôi cá với hàng chục lồng tại đây đều chung cảnh ngộ tương tự. Ông Trương Cư (phường Nại Hiên Đông) bức xúc cho biết, hộ ông có 13 ô cá nuôi với khoảng hơn 2.000 con cá nhưng mấy hôm rồi bỗng dưng cá chết hàng loạt, giờ chỉ còn hơn 200 con. Theo ông Cư, do môi trường nước bị ô nhiễm quá nặng, nhất là khoảng 2 tuần gần đây, nên dù có kinh nghiệm và có trang bị cả bình ô-xy để cứu cá, song những ngày qua, cá của ông vẫn chết trắng bè, tính ra thiệt hại gần 100 triệu đồng. “Cá chết liên tục, chúng tôi chỉ còn cách vớt và đổ đi”, ông Cư nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 10-7, xác hàng trăm con cá đủ các loại: diêu hồng, mú, giò... hầu hết đều to bằng bàn tay, bị chết phơi bụng, dạt vào sát bờ vịnh cồn cát Mân Quang bốc mùi hôi thối. Các hộ dân chỉ còn cách thủ công là dùng vợt và thuyền thúng để vớt, song dường như không xuể.
Nguyên nhân cá chết hàng loạt, theo các hộ dân, khả năng là do độ mặn nguồn nước năm nay cao bất thường, nhưng chủ yếu là do môi trường nước ở đây bị ô nhiễm bởi lượng nước thải từ các nhà máy chế biến thuỷ sản tại Khu công nghiệp Thuỷ sản Thọ Quang xả ra.
Anh Nữa cho biết, cách đây 3 năm, nước ở khu vực này trong xanh, cá nuôi không có hiện tượng chết hàng loạt như lần này. Còn theo ông Cư, khả năng cao nhất là do nước thải từ các nhà máy thủy sản thường xả thải “chui”, nhất là vào ban đêm, khiến nguồn nước ô nhiễm nặng. “Cả đến cua, nghêu… cũng không sống được nói chi đến cá. Chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều lần, nhưng chẳng ăn thua”, ông Cư bức xúc.
Lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân
Theo các hộ dân, sau khi tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều nhất là vào cuối tuần qua, các hộ nuôi cá ở đây đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ.
Ông Lê Văn Soạn, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết hầu hết các hộ nuôi cá tại đây trước đều làm nghề chài lưới trên sông Hàn, sau đó họ được giải tỏa, không có việc làm nên chuyển về vịnh Mân Quang nuôi thủy sản.
Do khu vực này đã quy hoạch cho mục đích khác nên địa phương cấm không cho họ nuôi. Năm 2012, UBND phường đã cưỡng chế, song người dân lấy lý do không có việc làm nên phải nuôi cá và họ cam kết sẽ di chuyển đi nơi khác khi thành phố thu hồi để thực hiện quy hoạch. UBND phường cũng đã nhiều lần vận động các hộ dân không nên nuôi thủy sản tại đây vì nguồn nước ô nhiễm song người dân vẫn cố tình nuôi.
Theo ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng), mặc dù khu vực này đã bị cấm nuôi cá, song các hộ dân vẫn cố tình nuôi. Tuy nhiên, chiều ngày 9-7, sau khi nhận được thông tin, đại diện của Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y Đà Nẵng cũng đã cử cán bộ tới ghi nhận thực tế và lấy mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân khiến cá nuôi của các hộ dân ở đây bị chết hàng loạt. Theo ông Khánh, ban đầu nhận định nguyên nhân khiến cá chết rất có thể là do nguồn nước nuôi cá tại khu vực này chưa đảm bảo.
“Sau khi kiểm tra hiện trường, Chi cục Thú y đã tiến hành mổ và lấy mẫu cá chết, còn phía Chi cục Thủy sản cũng đã lấy mẫu nước tại khu vực lồng nuôi để tiến hành xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân cụ thể”, ông Khánh cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ