Tin nông nghiệp Hành trang của Năm Gấu

Hành trang của Năm Gấu

Tác giả lê hoàng vũ, ngày đăng 19/12/2015

Hành trang của Năm Gấu

Hôm về huyện An Phú tìm hiểu viết bài “Cánh đồng không thuốc” tình cờ được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện giới thiệu có người sản xuất lúa giỏi nhất nhì ở tỉnh.

Tuy trời đổ mưa to nhưng tôi không ngại vượt đò, chạy xe đường làng gần 12 km mới đến nhà ông Nguyễn Văn Gấu (Năm Gấu) nơi biên giới xa xôi, giáp với Campuchia.

Đã 12 giờ trưa, ông Năm Gấu thấy khách lạ thắng xe trước nhà liền xuống đón tiếp và mời vào nhà uống ly trà.

Trên bàn của ông có một sấp Báo Nông nghiệp Việt Nam để ngăn nắp theo từng ngày. Đi công tác ở vùng xa xôi hẻo lánh lại thấy có độc giả yêu mến tờ báo khiến tôi rất vui.

Ông Năm Gấu cho hay: “Tôi được ngành nông nghiệp của tỉnh cấp báo đã 7 năm rồi.

Nhờ báo mà tôi học hỏi nhiều thứ và nắm bắt thông tin thời sự, mở mang kiến thức để vận dụng vào đồng ruộng tốt hơn.

Nhiều năm canh tác lúa đều cho năng suất cao, bán được giá nên gia đình có của ăn của để”.

Ông Năm Gấu nhớ lại, trước đây gia đình đông anh em, cha mẹ nghèo lại ít ruộng, sản xuất lúa một năm chỉ 1 vụ.

Năm 1996, trưởng ấp thấy ông siêng năng và thích tìm hiểu về kỹ thuật trồng lúa nên giới thiệu để ông tham dự lớp học quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do huyện tổ chức.

Sau khóa học đó, ông về áp dụng trồng thử nghiệm 3 công đất lúa theo kỹ thuật mới.

Ông cho biết, áp dụng cách làm mới chi phí đầu tư không cao vì có thể giảm phân, giống và thuốc BVTV (tuyệt đối không phun thuốc sâu và rầy) giảm chi phí khoảng 30 - 40% so với canh tác truyền thống.

Lúa cho năng suất cao hơn khoảng 20 - 40 kg/công.

Từ đó giúp ông tự tin và mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích còn lại áp dụng theo quy trình canh tác IPM, lúa nhiều năm liền đạt năng suất cao và giảm rất lớn chi phí đầu tư.

Ông Năm Gấu nhớ lại, vụ lúa ĐX 2005-2006, trong lúc nông dân ăn Tết không ngon vì dịch rầy nâu bộc phát và gây bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá nhưng lúa của ông vẫn đạt năng suất 6 tấn/ha.

Vụ ĐX 2007-2008, ông sử dụng biện pháp kéo sạ hàng và cấy 100% diện tích.

Ngoại trừ diện tích cấy một tép để làm giống thì mật độ sạ trung bình của ông chỉ 6,2 kg/1.000 m2 giảm gần 15 - 20 kg giống so với sạ lan.

Ngoài ra ông còn tiết giảm được 300 - 400 ngàn đồng/công tiền phun xịt sâu, rầy và giảm 2 - 3 cữ bơm nước…

Ông nhẩm tính trong một vụ, bà con phun xịt trung bình từ 5 - 8 lần vừa thuốc sâu vừa thuốc rầy (tùy vụ), càng xịt càng ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Do vận dụng IPM trong canh tác lúa nên giảm chi phí vẫn cho năng suất cao

Để có thành tích như ngày hôm nay, ông Năm Gấu thú thiệt cũng một phần sự đóng góp không nhỏ của Nông nghiệp Việt Nam, tờ báo đã đăng tải thông tin bổ ích mỗi ngày, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời ông, người say mê nông nghiệp.

Tuy nhiên theo cách canh tác của ông, vụ ĐX chi phí đầu tư giảm hơn 30% so với canh tác thông thường, nhưng lúa đạt năng suất từ bằng đến hơn.

Bình quân vụ lúa ĐX gia đình ông lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng/công, vụ HT lãi 2 - 2,2 triệu đồng/công.

Nhiều năm qua ông Năm Gấu canh tác lúa thành công nhờ vận dụng chương trình IPM khiến nhiều nông dân ở huyện An Phú thán phục vì thực chất ông đang trừ sâu, rầy bằng phương pháp sử dụng thiên địch.

Không phun thuốc trừ sâu rầy là để bảo vệ thiên địch có ích.

Thiên địch khống chế được dịch hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié… rất hiệu quả.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện An Phú cho biết, Năm Gấu là người có tâm với cây lúa, chịu khó học hỏi và vận dụng kỹ thuật trong can tác.

Ngoài ra ông còn giữ chức Chi hội trưởng của ấp và áp dụng triệt để IPM trên ruộng của mình.

Ông cũng rất say mê ngành cơ khí, sáng chế máy tách nhân đậu phộng...

Mời chúng tôi dùng cơm trưa, ông tâm sự đây là gạo sạch do tự gia đình làm.

Nhiều năm nay chỉ một mình ông là lao động chính, vừa tiết kiệm tiền cho 4 đứa con ăn học và nuôi gia đình, vừa bảo vệ sức khỏe.

Hiện ông sở hữu trên 6,5 ha lúa và 2 ha hoa màu.

Để canh tác ngày càng tốt hơn, ông đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng sắm máy móc như máy cày, gặt đập liên hợp, máy cuốc, máy bơm nước và lò sấy… cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.


Nông nghiệp Quảng Bình phát triển mạnh Nông nghiệp Quảng Bình phát triển mạnh Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón, ngô, đậu Chi hơn 21 tỷ USD nhập phân bón,…