Tin nông nghiệp Hành trình của cánh đồng liên kết

Hành trình của cánh đồng liên kết

Tác giả Phạm Thị Toán, ngày đăng 23/01/2016

Hành trình của cánh đồng liên kết

Khi trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan về câu chuyện liên kết trong làm ăn của bà con nông dân hiện nay, ông chỉ nói ngắn gọn:

“Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với các mô hình cánh đồng liên kết (CĐLK), vườn cây liên kết, ao cá liên kết, vùng màu liên kết, phải gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong từng vùng nguyên liệu thông qua các hiệp hội ngành hàng”.

Cũng theo lời Bí thư Lê Minh Hoan, trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hiện nay, nông dân phải giải được bài toán “Trồng giống gì, bán ở đâu và bán cho ai”; còn doanh nghiệp cũng phải giải được bài toán “Mua lúa gì, mua ở đâu và mua của ai”.

Sự ra đời của cánh đồng liên kết

Còn nhớ, cách đây 12 năm, khi Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư Đồng Tháp bắt đầu thực hiện triển khai tới các địa phương trong tỉnh xây dựng những cánh đồng mẫu, cánh đồng hiện đại, “tiền thân” của CĐLK ngày nay, khái niệm về CĐLK thật xa vời, mông lung.

Ít ai, kể cả các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp có thể hình dung ra CĐLK là thế nào, và cũng khó ngờ tới mức độ “nở rộ” như vài năm trở lại đây ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trở thành một phương thức làm ăn hấp dẫn, có hiệu quả với những nông dân trồng lúa. 

Có người nhìn xa hơn thì băn khoăn, lo lắng: Liệu nó có giống kiểu hợp tác xã (HTX) của những năm 60 - 70 ở miền Bắc hay không, khi “gom đất, gom ruộng” của dân, điều kiện đầu tiên để có những CĐLK, vào HTX?

Nhưng ngược lại, làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, mỗi nhà một loại giống lúa đến nỗi cả tỉnh Đồng Tháp một vụ có tới hơn 100 loại giống lúa gieo sạ, mỗi nơi một liều lượng phân bón khác nhau thì không ổn, bởi nông dân ta cứ nghĩ đơn giản bón nhiều phân, nhiều thuốc, đổ nhiều giống xuống ruộng, lúa mới trúng… mùa.

Chưa hết, đến khi cắt lúa, đầu mùa thì ít lúa, giữa mùa ào ào thu hoạch rồi “bó gối” chờ thương lái và giá cả cũng do thương lái hoàn toàn quyết định...

Theo thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên- Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở NNPTNT Đồng Tháp, khác với “cánh đồng hiện đại” tập trung vào các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, “cánh đồng mẫu lớn” chú ý đến phương thức sản xuất, hướng đến quy mô sản xuất lớn, “cánh đồng liên kết” tập trung đến yếu tố “hợp tác” giữa những người sản xuất và mối “liên kết” giữa sản xuất với tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa.

Đây mới chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên quy mô lớn hay nhỏ của những cánh đồng.

CĐLK là giải pháp cắt bớt khâu trung gian không cần thiết để lợi nhuận của bà con tăng lên.

Cái lợi của CĐLK là sản xuất chủ động, biết trước đầu vào lẫn đầu ra.

Sản xuất theo thị trường, mà doanh nghiệp luôn có thông tin về thị trường.

Doanh nghiệp biết nhu cầu, chủng loại, phẩm chất, quy mô...

nông sản “cần” thì mới đặt hàng để người nông dân sản xuất.

Lợi ích thiết thực mà phương thức sản xuất liên kết mang lại là bà con làm nông yên tâm hơn, lợi ích nhiều hơn.

Điều này có nông dân  nào lại không thích?

CĐLK sẽ tạo ra mối gắn kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh  nghiệp thu mua trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ổn định.

Có làm được điều này mới góp phần tăng thu nhập cho nông dân; tạo nên mối quan hệ chia sẻ lợi nhuận bình đẳng, các bên “cùng có lợi” giữa nông dân và doanh nghiệp không như trước; hướng đến sản xuất lớn, xây dựng vùng nguyên liệu cơ bản đủ đáp ứng cho chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Khi bà con sản xuất đúng quy trình thì công ty có đầu ra liên kết thu mua.

Khi doanh nghiệp mua vào để chế biến ra gạo thành phẩm thì có thể đăng ký thương hiệu được.

Doanh nghiệp cũng vì thế “mạnh tay” ký hợp đồng với nước ngoài mà không sợ thiếu hàng và hàng đạt chất lượng, có xuất xứ rõ ràng.

Chưa hết khó khăn

Theo số liệu của Sở NNPTNT Đồng Tháp, diện tích CĐLK ở Đồng Tháp trong những năm qua đã tăng mạnh, từ 1.467ha (năm 2011) lên 51.287ha (năm 2013) và năm 2015, diện tích CĐLK nâng lên hơn 69.000ha với tổng số 38.178 hộ tham gia, được thực hiện ở 10 huyện, thị trong tỉnh.

Kết quả thực tế liên kết tiêu thụ được 22.300ha, đạt 32,2% diện tích thực hiện CĐLK và chiếm 76,8% so với dự kiến liên kết tiêu thụ; tổng sản lượng thực tế tiêu thụ là 156.614 tấn.

Có tới 23 công ty, doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ lúa của tỉnh trong năm 2015.

"Cánh đồng liên kết” tập trung đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối “liên kết” giữa sản xuất với tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa.

Đây mới chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên quy mô lớn hay nhỏ của những cánh đồng.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên

Tuy vậy, khi triển khai CĐLK trên thực tế cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dùng, nông dân xã Tân Cường, huyện Tam Nông chia sẻ: “Do giá lúa chất lượng cao chênh lệch không nhiều so với giống lúa IR 50404, trong khi công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng thì lại ký giá cố định ở mức thấp, khiến nông dân ít lời sau khi trừ hết các chi phí.

Giá bán vật tư của công ty còn cao hơn giá thị trường.

Vật tư do các công ty cung ứng đôi lúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng của nông dân...

Trong sản xuất, vào thời điểm thu hoạch rộ giá lúa biến động theo hướng sụt giảm nên việc đảm bảo thực hiện hợp đồng còn gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng có lúc không thực hiện đúng hợp đồng giữa nông dân với công ty, doanh nghiệp...

Còn Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường Nguyễn Văn Trãi lại cho biết thêm một số vướng mắc khi triển khai CĐLK ở đây là: Kỹ năng điều hành, năng lực hoạt động của HTX, tổ hợp tác trong thực hiện CĐLK, nhất là trong việc tham gia bàn thảo các điều khoản chi tiết trong bản hợp đồng có lúc còn lúng túng.

Diện tích sản xuất của nông dân ở một số nơi còn manh mún, công tác vận động dân tham gia vào CĐLK còn khó khăn...

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài khẳng định: “Xây dựng CĐLK chính là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định giữa các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp.

Đồng thời, giúp nông dân an tâm và hợp tác sản xuất có hiệu quả”. 


Ngô lai mới bén duyên phân bón Lâm Thao Ngô lai mới bén duyên phân bón Lâm… Sẽ thanh tra xử lý dứt điểm kháng sinh cấm Sẽ thanh tra xử lý dứt điểm kháng…