Hậu Giang Vì Sự Phát Triển Bền Vững
“Hậu Giang - Vì sự phát triển bền vững” là chủ đề của cuộc Hội thảo khoa học vừa được tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua nhằm tìm ra các giải pháp góp phần giúp cho tỉnh phát triển một cách hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Cần nhiều giải pháp mang tính đột phá
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của cả nước, cùng sự tác động suy thoái kinh tế và khủng hoảng thị trường thế giới, nhưng 4 năm qua, nền kinh tế Hậu Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề quan trọng để phát triển chung cho cả giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, Hậu Giang còn gặp nhiều khó khăn hạn chế, đặc biệt sự phát triển kinh tế vẫn chưa thật sự bền vững, còn nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được phát huy đúng mức. Chẳng hạn quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chất lượng sản phẩm thấp nên đòi hỏi có những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ý kiến đề xuất bởi các cơ quan quản lý, nhà khoa học nêu ra tại hội thảo là để xây dựng tiền đề phát triển bền vững thì Hậu Giang phải đặt mình vào bối cảnh chung của cả nước, cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, có cơ sở định hướng xây dựng và điều chỉnh từng chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển 5 năm tới cho phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Như Triển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Miền Nam thuộc Viện Chiến lược - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị: Thời kỳ 2016-2020, tỉnh nên xây dựng ít nhất 2 phương án tăng trưởng kinh tế, tương ứng với những bối cảnh tác động khác nhau, khả năng huy động nguồn lực khác nhau. Cả 2 phương án này đều có thể xảy ra, trong đó có 1 phương án cao để địa phương phấn đấu.
Mặt khác, tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thủy lẫn bộ, cùng nhà máy, xí nghiệp đang hình thành tại các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn nhằm thúc đẩy lĩnh vực giao thương hàng hóa, kích thích lĩnh vực xuất nhập khẩu phát triển.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Địa phương nên tiếp tục tranh thủ nguồn vốn, thu hút đầu tư. Mặt khác, khai thác điều kiện thuận lợi từ những tuyến giao thông trọng yếu như tuyến đường thủy sông Hậu, Quốc lộ 1 đi qua địa bàn để mở rộng kết nối giao thương với các tỉnh, đặc biệt là trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng là thành phố Cần Thơ. Còn về lâu dài, phải hoạch định chiến lược bến bãi vận tải hàng hóa từ điểm xuất phát đến thu mua.
Nông nghiệp vẫn là nền tảng phát triển
TS Võ Hùng Dũng nhận định: Tiền đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua chính là sự hấp dẫn, niềm tin của doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn Hậu Giang thông qua sự lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Phát huy tính năng động kể trên, vào giai đoạn tới, tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư với các đối tác ngoài nước.
Trong đó có việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như Israel chẳng hạn nhằm giúp cho lợi thế nông nghiệp cụ thể của từng khu vực trong tỉnh phát triển đồng bộ.
PGS, TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa phát triển nông thôn - Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá: Phải thừa nhận rằng, nông nghiệp có sự đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là nhờ Hậu Giang tập trung vào 4 nhóm cây trồng, vật nuôi thế mạnh và từng bước xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hóa cho hầu hết 10 loại nông sản chủ lực.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung vẫn còn thấp, rủi ro cao. Vì thế, nhằm góp phần giúp cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định thì địa phương cần sớm khắc phục tình trạng sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu định hướng thị trường mà nên chú ý đẩy mạnh khâu liên kết sản xuất gắn với công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác,…
Một trong những định hướng chủ yếu cho mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của tỉnh chính là tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, hiệu quả và cạnh tranh.
Trong đó, nông nghiệp vẫn là nền tảng cho sự phát triển và ổn định xã hội, công nghiệp là ngành đột phá trong phát triển, đặc biệt là các ngành khoa học ứng dụng công nghệ mới, công nghiệp chế biến phục vụ tốt cho nông nghiệp và dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh khẳng định: Ngoài giải pháp trọng tâm là đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực thì nông nghiệp vẫn là nền tảng cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Song, phải là nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết vùng, chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu thị trường.
Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 17 chỉ tiêu trong tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011-2015 đề ra; còn lại 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là xây dựng xã nông thôn mới và tốc độ tăng trưởng kinh tế (hiện đạt 13,1%/năm).
Dự kiến, giai đoạn 2016-2020 tỉnh vẫn tiếp tục đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế; 7 chỉ tiêu thuộc nhóm văn hóa - xã hội; 3 chỉ tiêu về tài nguyên môi trường và phát triển bền vững; 2 chỉ tiêu về lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ở giai đoạn này từ 6,7 - 7,2%/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ