Mô hình kinh tế Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát chìm nổi theo con tôm

Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát chìm nổi theo con tôm

Ngày đăng 25/05/2015

Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát chìm nổi theo con tôm

Tôm chết, môi trường bị ô nhiễm

Hơn nửa tháng nay, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh rơi vào cảnh mất ăn mất ngủ khi tôm chết hàng loạt. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10ha tôm nhiễm bệnh và chết. Những diện tích tôm chết có thời gian thả nuôi từ 10 - 40 ngày tuổi với các biểu hiện như tôm bơi lờ đờ, bỏ ăn, rớt đáy và chết hàng loạt trong ao.

Trước tình hình trên, Chi cục Thú y đã tiến hành lấy 17 mẫu (3 mẫu tôm giống, 14 mẫu tôm thương phẩm) gửi Cơ quan Thú y Vùng IV phân tích xét nghiệm bệnh. Kết quả cho thấy có 2 mẫu tôm TCT và 1 mẫu tôm sú ở Bình Sơn dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV), 9 mẫu tôm dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gien gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm (AHPND).

Nhiều người nuôi tôm cho rằng, tình trạng tôm chết xảy ra là do chất lượng con giống và nắng nóng kéo dài. Thế nhưng, làm thế nào để biết được con giống chất lượng thì người nuôi tôm không thể nào thẩm định được. Bởi chỉ có những người tạo ra giống bố mẹ và những công ty, doanh nghiệp trực tiếp lấy giống thì mới biết được giống đó có tốt hay không.

Nuôi tôm là việc không hề dễ, bởi một số người có thể giàu lên từ nghề này, nhưng cũng không ít hộ nông dân rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: Năm 2014, khu vực thôn An Cường và Phước Thiện, xã Bình Hải bỗng nổi lên phong trào nuôi tôm TCT. Không có đất, nhiều hộ đã bạt núi, phá rừng để nuôi tôm nên chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, việc nuôi tôm ngày càng thất bát, dẫn đến thua lỗ nặng nên hiện nay hầu hết các hộ nuôi tôm ở Bình Hải đều đã bỏ trống hồ.

Còn theo lãnh đạo xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) thì trước giờ, Tịnh Khê chưa hề có quy hoạch cho vùng nuôi tôm nên hầu hết người dân đều tự phát đào hồ nuôi tôm. Nếu như năm 2014, xã Tịnh Khê có trên 30ha nuôi tôm thì đến nay chỉ còn khoảng 9ha. Đa số những hộ tự ý đào hồ nuôi tôm trong năm 2014 đều đã nghỉ nuôi, vì hầu hết đều bị thua lỗ, người ít thì vài chục triệu đồng, còn người nhiều thì vài trăm triệu đồng. Mặc dù vậy, việc lấn chiếm đất để làm hồ tôm thì vẫn diễn ra, nhất là phía bờ đông sông Kinh ra Cửa Đại.

Ông Nguyễn Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: “Vừa rồi xã cũng đã lập biên bản và tiến hành tịch thu một số dụng cụ của một hộ tự ý đào hồ nuôi tôm ở khu vực trên. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là những hệ lụy từ tình trạng nuôi tôm tự phát đem lại. Bởi hiện tại nguồn nước ngọt đã bị cạn kiệt, toàn bộ giếng nước ở thôn Cổ Lũy đều đã bị nhiễm mặn. Ngoài ra, việc tự phát đào hồ nuôi tôm ở gần bờ ngăn mặn Trường Định cũng đã gây ra tình trạng sạt lở, làm nhiễm mặn một số diện tích ruộng nơi đây và làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”.

Nông dân tự “mua dây buộc mình”

Những ngày này, đi về các địa phương từng là “điểm nóng” trong phong trào nuôi tôm tự phát, không khí người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi tôm đã không còn. Những hồ tôm mà cách đây hơn một năm, nhiều hộ nông dân đã bỏ ra tiền tỷ để mua đất, thuê máy đào san ủi, giờ đã trở thành những cái hồ trống không, nằm phơi đáy.

Ông Lê Văn Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) chia sẻ: “Thấy nhiều người thu lãi cao từ nuôi tôm TCT nên năm 2014, tôi cùng 4 hộ khác mua đất, đào hồ nuôi tôm. Mặc dù tôi đã rất kỹ lưỡng trong quy trình nuôi, nhưng nhiều vụ vẫn thất bát. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng đã lấy lại được đồng vốn bỏ ra ban đầu do mấy vụ đầu nuôi đạt nên lợi nhuận cao. Còn nhiều hộ xung quanh thì bi đát hơn, vì hầu hết đều thua lỗ nên họ đã bỏ hồ không nuôi nữa”.

Theo báo cáo của Phòng nuôi trồng thủy sản tỉnh: Chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh có trên 16ha ao nuôi tôm được người dân tự ý đào tại một số địa phương trong tỉnh mà không theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2011 - 2020. Chủ yếu là ở huyện Bình Sơn (8,2ha) và TP. Quảng Ngãi (8ha). Trong đó có một số diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch nằm gần khu dân cư, thậm chí có hộ đào ao ngay tại vườn nhà. Và hầu hết những diện tích nuôi này sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm, gây mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù đã có cảnh báo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, trong đó không ít người nhận định, nuôi tôm cũng giống như trò đánh bạc, người được thì ít mà người mất thì nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người đặt giả thuyết: Nếu như trường hợp tất cả các phong trào nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch đều đạt năng suất thì liệu rằng nhu cầu có giải quyết hết nguồn cung. Rồi có ai đảm bảo được tình trạng “được mùa mất giá” lại không diễn ra? Thế nhưng, trước “sức hút” của con tôm, người nông dân vẫn chấp nhận đánh cược. Và dường như nông dân đang tự “mua dây buộc mình”.


Phường Phương Nam (Quảng Ninh) được mùa vải chín sớm Phường Phương Nam (Quảng Ninh) được mùa vải… Quảng Ninh nuôi cá lăng trong lồng trên hồ chứa Quảng Ninh nuôi cá lăng trong lồng trên…