Hệ Quả Từ Việc Đổ Xô Trồng Mì
Những cơn mưa trong khoảng thời gian từ một tháng trở lại đây khiến người trồng mì trong tỉnh Tây Ninh phải một phen lao đao. Ruộng mì ngập nước, củ mì dần úng thối, có cây nhổ lên chỉ còn trơ bộ rễ.
Mì là một trong những loại cây trồng chủ lực ở Tây Ninh. Cây mì dễ trồng lại cho lợi nhuận cao nên thường được nông dân chọn để canh tác. Thời gian qua, nhiều diện tích cao su, lúa đã ào ạt chuyển sang trồng mì. Thời tiết thuận lợi, giá củ mì ổn định, nông dân rủ nhau đầu tư cho cây mì, khiến diện tích trồng mì trong tỉnh tăng vượt mức quy hoạch.
Đến khi gặp thời tiết mưa gió, giá mì giảm mạnh, các nhà máy chế biến cũng khắt khe hơn trong việc kiểm tra chữ bột, nhiều người mới nhận ra cây mì cũng ẩn chứa nhiều rủi ro- hệ quả của việc người người, nhà nhà đổ xô trồng mì.
Những cơn mưa trong khoảng thời gian từ một tháng trở lại đây khiến người trồng mì trong tỉnh phải một phen lao đao. Ruộng mì ngập nước, củ mì dần úng thối, có cây nhổ lên chỉ còn trơ bộ rễ. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư, chăm sóc gần một năm trời, đến khi chuẩn bị thu hoạch lại bị mất trắng, ai mà không đau! Nhiều người cố tìm mọi cách để vớt vát lại được đồng nào hay đồng nấy.
Từ đầu tháng 6 đến nay, giá mì bắt đầu giảm. Từ 2.400 đồng/kg mì tươi tụt xuống còn 1.800 đồng- giảm gần một nửa giá. Nông dân đang lo lắng trước tình hình giá cả thị trường biến động, nay lại chồng chất nỗi lo khi cây mì bị ngập úng sau những cơn mưa lớn.
Nhà nhà thi nhau đổ ra ruộng mì đào mương, rãnh thoát nước để cứu cây mì nhưng xem ra không ăn thua. Tình thế buộc nhiều người phải nhổ mì sớm dù chưa đến kỳ thu hoạch. Cây nhổ non đồng nghĩa với chất lượng củ không đạt và đương nhiên lợi nhuận cũng giảm đáng kể.
Những người thuê đất trồng mì càng khốn đốn. Giá thuê một ha đất là 30 triệu đồng/năm, đó là đất gốc mía, chủ đất cho thuê nhằm cải tạo đất. Còn với những khu đất gò, hay đất rẫy, giá thuê còn cao hơn.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Hoàng Sa, ngụ tại xã Tân Phong, huyện Tân Biên năm nay thuê 7 ha đất gốc mía để trồng mì. Mưa lớn liên tiếp nhiều ngày khiến 7 ha mì của anh bị hư hại vì ngập úng.
Còn những 3 tháng nữa cây mì mới đến kỳ thu hoạch nhưng trước tình hình mì bị thối củ, anh Sa đành phải thuê nhân công và xe vận chuyển với giá gấp đôi để nhổ mì đem bán cho nhà máy gấp, hầu giảm bớt thất thoát do củ mì bị mất chữ bột. Anh than thở: “Trồng mì năm nay lỗ 30 triệu đồng/ha. Đất mướn thì mắc mà giá mì thì rẻ. Mì nhổ lúc này, hư 20%, khi vô nhà máy bị trừ 30% tạp chất. Năm nay mưa đột xuất nhiều quá, mọi năm đâu có mưa nhiều vậy”.
Theo tính toán, kể cả khi không phải thuê đất thì vụ mì năm nay có cố gắng lắm anh Sa cũng chỉ huề vốn. Tiền công nhổ mì và xe vận chuyển, năm trước chỉ 270.000 đồng/tấn mì, nay tăng lên 400.000 đồng.
Gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng, ngụ tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cũng thuê 3 ha đất ruộng để trồng mì. Mấy ngày qua, anh Hoàng phải nhổ bán mì non. Sau khi trừ tiền công, tiền thuê xe vận chuyển, phần còn lại chẳng bao nhiêu.
Theo một số bà con trồng mì, nếu thời tiết thuận lợi, một ha mì ruộng có thể bán được gần 60 triệu đồng. Với mức giá 1.800 đồng/kg 30 chữ bột như hiện nay, dù mì không bị ngập nông dân cũng chỉ bán được không quá 40 triệu đồng/ha. So cách đây hơn 1 tháng, giá mì hiện giảm 700 đồng/kg. Nếu năng suất mì đạt 30 tấn thì nông dân bị giảm thu nhập đến hơn 20 triệu đồng/ha.
Bên cạnh giá mì giảm, nông dân còn thiệt thòi khi các lò mì nâng mức trừ tạp chất khi mua. Mỗi xe mì bị trừ tạp chất từ 10% - 30%. Đặc biệt khi mì bị ngập nước như thời điểm này- chữ bột thấp, sẽ tiếp tục bị trừ hơn 70 đồng/kg (cao gấp ba lần so với trước đây). Trong tình cảnh như vậy, chỉ có nhà nông là bị thua lỗ, còn thương lái vẫn lời.
Anh Lý Phong Phú- người có hơn 3 ha mì và cũng là tay thu gom mì bán cho nhà máy, năm nay không bị lỗ nhờ biết nhanh tay cứu cây mì khỏi ngập úng. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Mỗi ha trồng mì, lãi 35-50 triệu đồng. Mì cũng có ngập nước, nhưng do mình là lái, biết dự đoán trước nên không bị lỗ”.
Từ nhiều năm nay, khi cây mì cho lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/ha- gấp 2 lần so với cây mía và 5 lần so với cây lúa, bà con nông dân Tây Ninh đổ xô trồng mì, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Cây mì được trồng trong tỉnh, lan cả sang Campuchia. Tây Ninh hiện là một trong số địa phương có diện tích mì lớn nhất cả nước.
Ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: “Quy hoạch cây mì của Tây Ninh là 35.000 ha. Nhưng hiện nay diện tích trồng mì đã gần 50.000 ha. Thị trường mua sản phẩm bột mì của Tây Ninh chủ yếu là Trung Quốc- chiếm khoảng 70%.
Nếu chăm bẵm vào một thị trường, sẽ rất khó khăn khi tiêu thụ khoai mì. Nhà nước cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương, đừng làm kiểu tự phát. Tình trạng người dân ồ ạt chuyển sang trồng mì dẫn tới cung vượt cầu, rất khó khăn tiêu thụ, rủi ro rất lớn. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh vận động người dân không nên đổ xô trồng mì như thế”.
Thời gian qua, diện tích cây mì phát triển nhanh và đã hình thành các vùng chuyên canh nguyên liệu mì ở các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu.
Hiện tại diện tích vùng chuyên canh cây mì không còn nhiều, bà con nông dân chủ yếu trồng mì ở vùng đất thấp, hoặc trồng xen trong vườn cây cao su như một cách lấy ngắn nuôi dài. Chuyển cây mì xuống vùng thấp, cây có thể phát triển tốt trong mùa khô, nhưng khi gặp mưa, dễ ngấm nước làm hư hại cây mì.
Các vùng thấp trong tỉnh, chủ yếu ngập úng cục bộ do mưa tập trung trong thời điểm tháng 6 và tháng 7, khiến nông dân phải nhổ bán mì non, với năng suất chỉ 16 tấn/ha, thấp hơn một nửa so với năng suất bình thường. Trồng mì trên vùng trũng nhưng nông dân thường sử dụng các giống dài ngày như giống KM94, HL101 nên chỉ cần ngập cục bộ vài ngày là thối củ, và thế là người trồng “lãnh đủ”!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ