Hết dự án, VietGAP cũng ra đi vì đầu ra, hiệu quả mờ mịt
Người sản xuất nản dần
Hết tháng 12.2015, diện tích VietGAP (đang còn hiệu lực) trong lĩnh vực trồng trọt trên toàn quốc là trên 24.000ha. Trong đó, rau 3.152,16ha (758 cơ sở sản xuất); quả 13.776,30ha (740 cơ sở sản xuất); lúa 668,6ha (16 cơ sở sản xuất); chè 6.482,39ha (115 cơ sở sản xuất); cà phê 152ha (5 cơ sở sản xuất).
Trong hơn 24.000ha VietGAP trên, về cơ bản đều thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước hoặc các nguồn viện trợ nước ngoài, nguồn từ tổ chức phi Chính phủ.
Điển hình trong hỗ trợ VietGAP bằng tiền Nhà nước là Hà Nội. Số liệu Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN-PTNT Hà Nội) cung cấp, tính đến ngày 8.7.2016, đơn vị này đã thực hiện đánh giá và cấp 26 giấy chứng nhận tổng diện tích 234,74ha VietGAP, tất cả đều bằng nguồn ngân sách.
Trong đó, có 23/26 giấy chứng nhận cấp cho các cơ sở được hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận và chi phí kiểm nghiệm mẫu. Chỉ có 3/26 giấy cấp cho cơ sở được hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận, song cơ sở tự chi trả phí kiểm nghiệm mẫu.
Lãnh đạo trung tâm tâm sự, qua theo dõi những mô hình sản xuất VietGAP hết hạn chứng nhận cho thấy, chỉ có số ít gia hạn tiếp, còn lại đa phần đều từ bỏ khi hết nguồn hỗ trợ.
Bà Bùi Thanh Hương, GĐ trung tâm chia sẻ thêm, ngày 13.7.2016 vừa qua đơn vị đã hủy bỏ giấy chứng nhận VietGAP của 2 đơn vị là HTX Kinh doanh Dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Thanh Đa, huyện Thanh Trì) và HTXNN An Phú (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) do 2 cơ sở này tự làm đơn xin rút nên thực tế hiện chính xác còn 24 đơn vị VietGAP.
Được biết, ngoài 24 cơ sở do trung tâm chứng nhận, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 291ha rau, quả VietGAP khác do các tổ chức chứng nhận khác chứng nhận.
Vì sao ngày càng "teo" lại?
Bà Bùi Thị Hiếu - HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Viên Sơn (TX Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, hiện toàn xã có khoảng trên 6ha rau VietGAP được thành phố hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng chỉ xem có sự khác biệt giữa rau an toàn và rau hữu cơ, rau VietGAP cũng bị liệt vào một dạng của rau an toàn nên giá bán chỉ tương đương.
Ảnh: Nguyên Huân
Trong khi đó, các yêu cầu, quy trình sản xuất, danh mục thuốc BVTV và đặc biệt là ghi nhật ký, nhật trình đồng ruộng rau VietGAP phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều so với rau an toàn nên nông dân phần lớn chưa mặn mà.
Chủ yếu có nhà nước hỗ trợ nông dân mới làm VietGAP, nếu để bà con tự bỏ tiền túi ra chứng nhận chắc rất ít người làm vì chi phí cao, hiệu quả lại không rõ rệt.
Quả thực, dạo một vòng các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Big C, Metro, Lottemart, Big Green, Bác Tôm… nhận thấy số lượng sản phẩm rau VietGAP vô cùng khiêm tốn. Chỉ có một số cửa hàng thực phẩm sạch bán rau VietGAP, song số lượng, chủng loại khá nghèo nàn.
Đa phần rau được bày bán là rau an toàn hoặc rau hữu cơ áp theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của các tổ chức phi chính phủ, xã hội nghề nghiệp. Như chia sẻ của lãnh đạo Siêu thị Co.opmart Hà Đông, rau quả VietGAP bán tại hệ thống này hiện nay nguồn gốc từ Đà Lạt (Lâm Đồng), riêng miền Bắc hầu như không có sản phẩm VietGAP.
Một trong những cây trồng bắt đầu cho biểu hiện thất bại với mô hình VietGAP chính là cây chè. Thống kê cho thấy, tháng 8.2015 diện tích chè chứng nhận VietGAP đạt hơn 9.000ha, nhưng đến tháng 6/2016 giảm xuống còn 4.000ha.
Nguyên nhân không nói ai cũng biết thủ tục từ khi đăng ký đến khi nhận chứng nhận khá tốn kém, quy trình chưa được cải thiện, hiệu quả VietGAP không cao.
Tại vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên), nhiều cơ sở phản ánh, giá trị của chứng nhận VietGAP chỉ có 1 năm trong khi thời gian thẩm định mất gần 6 tháng, nên 6 tháng còn lại chưa kịp buôn bán gì đã hết hạn. Thế mà, không có sự phân biệt rõ ràng giữa chè VietGAP và chè thông thường.
Nếu VietGAP bán chạy, bán được đúng giá trị, người nông dân họ tự đăng ký làm VietGAP mà chẳng cần nhà nước hỗ trợ một đồng nào.
Theo Chi cục BVTV (Sở NN-PTNT Hà Nội), tính đến hết tháng 6.2016, diện tích rau, quả VietGAP trên địa bàn do các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT chứng nhận còn trên 220ha, giảm 128ha so với năm 2015 do hết thời hạn chứng nhận.
Lãnh đạo Chi cục lo lắng, có thể sang năm 2017 Hà Nội không còn VietGAP nữa bởi sau khi hết hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đa phần không gia hạn thêm vì đầu ra, hiệu quả của VietGAP đang mờ mịt.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ