Mô hình kinh tế Hiệp Sĩ Cứu... Tôm!

Hiệp Sĩ Cứu... Tôm!

Ngày đăng 19/05/2014

Hiệp Sĩ Cứu... Tôm!

Bất kể ngày hay đêm, ông Đào Văn Non (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) vẫn làm việc với đam mê cháy bỏng.

Không phải là nhà khoa học, hay kỹ sư, nhưng bằng đôi tay cần cù, bộ óc sáng tạo của một nông dân miệt đồng đất xứ Đầm, ông đã thắng lợi lớn trong quá trình nuôi tôm công nghiệp. Ông được mệnh danh là “hiệp sĩ” cứu tôm có bí quyết “độc” và sẵn sàng “biếu không” cho bất cứ ai khi cần.

Bác nông cần cù "lên đời"

Cách đây gần 33 năm, người lính trẻ Đào Văn Non (sinh năm 1957) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, quyết định trở về quê nhà lập nghiệp. Năm 1981, ông lập gia đình và bắt tay vào “cuộc chiến” trên mặt trận lao động sản xuất từ 19.000m2 đất hương hỏa. Sau 20 năm miệt mài với mô hình vườn cây, ao cá và ruộng lúa, nhưng kinh tế gia vẫn chỉ dừng lại ở mức đủ ăn.

Năm 2001, huyện Đầm Dơi chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm thì năm 2002 ông Non quyết định nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Ông trở thành người đầu tiên trong xã thực hiện mô hình này và nay là “đại gia” nuôi tôm khét tiếng ở xã anh hùng Tân Duyệt.

Ông Non luôn gần gũi, tận tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm cho mọi người.

Năm 2002, từ 19.000m2 đất, ông Non giữ lại một phần làm vườn trồng cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm; phần còn lại nuôi sò huyết và NTCN (4 ao nuôi và 1 ao lắng). Dám nghĩ dám làm, không có đồng vốn “lận lưng”, ông Non cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng 20 triệu đồng, vay mượn thêm của anh em, bạn bè góp lại là 120 triệu đồng đầu tư cải tạo và sắm trang thiết bị cho 5 hầm tôm công nghiệp.

Trong khi đó chuyện NTCN lúc ấy còn quá mới mẻ đối với ông, thế là ông Non quyết định khăn gói lên đường “tầm sư học đạo”, hễ nghe tin xứ nào có mô hình NTCN thành công là ông tìm đến. Lăn lộn với các vùng tôm suốt bao năm, ông dần tích lũy kinh nghiệm cho mình trong suốt quá trình nuôi, làm bạn với con tôm sú, tôm thẻ.

Trong 3 năm đầu nuôi tôm sú công nghiệp, trúng có, thất có, bù qua bổ lại ông Non thu lãi bình quân trên 120 triệu đồng/năm. Đến năm 2009, qua tìm hiểu thực tế mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở một số tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng thấy có hiệu quả, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi, ông Non chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thu hoạch vụ nuôi ấy, ông thu lãi trên 1,2 tỷ đồng, cùng với số tiền tích lũy trước đó, ông trả dứt nợ và cất ngôi nhà khang trang trị giá 2 tỷ đồng, mua thêm 1,2ha đất trị giá 250 triệu đồng.

Tuy nhiên, bước sang những năm 2010-2011, khi “cơn bão” dịch bệnh càn quét qua các đầm tôm, tôm chết hàng loạt, chết dai dẳng và thê thảm, lan rộng trong toàn huyện và toàn tỉnh, hơn 70% đầm tôm công nghiệp trong huyện khi ấy phải bỏ hoang. Ông Non đang trên đà làm ăn thắng lợi, đầu tư rất lớn bỗng dưng khốn đốn vì tôm chết. Chính trong thời khắc u buồn đó, cùng với bao đêm mất ăn mất ngủ vì con tôm, ông đã tìm ra được “bí kíp”.

Thay đổi vật nuôi và những liều thuốc “vàng” cứu tôm

Đối mặt với nạn tôm chết kéo dài sau nhiều vụ nuôi, nhiều chủ đầm tôm trên địa bàn huyện bị phá sản, hàng trăm đầm tôm bỏ hoang…

Riêng ông Non thì không để đầm trống. Ông bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt, ông cho rằng tôm chết do đầm tôm sau nhiều vụ nuôi trở nên nghèo dinh dưỡng, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt kéo theo nhiều dịch bệnh phát sinh gây hại tôm.

Sau bao đêm thức trắng, ông nghĩ ra cách “2 trong 1” vừa cứu tôm vừa mang lại thu nhập khá cho gia đình. Thay vì nuôi tôm, ông chuyển sang nuôi sò huyết và cá chốt, vì theo ông: “Một mặt hai đối tượng này dễ nuôi, cho thu nhập khá, mặt khác chúng còn giúp tái tạo lại môi trường cho đầm tôm”.

Học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi sò huyết từ đoàn kỹ sư Phân viện Thủy lợi miền Nam, sau 3 năm thí điểm mô hình nuôi sò huyết trên chính mảnh đất của gia đình từ năm 2005-2007, ông đầu tư thả 200kg sò giống trên diện tích 1.200m2. Ông Non chia sẻ: “Trước khi thả nuôi, tiến hành gây màu đầm bằng phân NPK (4kg cho diện tích 1.200m2), 3 ngày sau tảo phát triển mới thả sò giống, lúc chiều mát.

Sau 1 tuần, cho sò ăn từ hỗn hợp: Cám gạo rang, bột đậu nành và nước; cứ 7 ngày cho ăn một lần, sau 10 tháng thì thu hoạch”. Cùng với việc nuôi sò huyết giúp lọc nguồn nước, năm ấy ông Non mua cá chốt giống từ Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ) thả nuôi trong 2 đầm.

Sau 10 tháng nuôi, từ sò huyết và cá chốt, năm ấy ông Non thu lãi trên 120 triệu đồng. Không chỉ vậy, sau một năm thay đổi vật nuôi, môi trường được tái tạo mới, đã giúp ông Non nuôi tôm thẻ chân trắng thành công từ năm 2012 đến tận bây giờ.

Bên cạnh việc tái tạo môi trường bằng phương pháp trên, để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công từ nhiều năm qua còn nhờ vào những bài thuốc nam vốn quý như “vàng” do ông Non mày mò nghiên cứu, học hỏi sau nhiều năm bôn ba tìm giải pháp cứu tôm.

Theo kinh nghiệm của ông Non: Trước khi thả giống, ông diệt khuẩn trong đầm tôm bằng Phormol. Sau đó, định kỳ 15 ngày thì diệt khuẩn một lần đến hết vụ nuôi, với công thức: 3 ốp trầu xanh xay nhuyễn trộn cùng 1 lít dầu ăn cho 1.000m3 nước nuôi tôm, tạt đều đầm tôm vào khoảng 20 giờ.

Khi phát hiện tôm yếu đường ruột hay bệnh phân trắng, ông dùng 100g cỏ mực và 500g cây, lá hoàng ngọc xay nhuyễn lấy nước trộn với 1 lít mật ong vào 10kg thức ăn. Khi độ mặn của nước trong đầm cao trên 30‰, hay thời điểm giao mùa, tôm bệnh phát sáng, ông dùng 4 cây chuối xắt lát mỏng cho xuống đầm tôm 1.000m3 nước.

Khi độ kiềm trong đầm tôm từ 200 trở lên, tôm khó lột xác, ông dùng 10 trái khóm xay nhuyễn lọc lấy nước, tạt đều đầm tôm lúc 20 giờ. Với phương pháp nuôi này, hàng năm ông Non tiết kiệm chi phí nuôi trên 20 triệu đồng so với dùng hóa chất. Nhờ đó từ năm 2012 đến nay, các đầm tôm của ông Non không “bể” vụ nào, hàng năm thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Chính phương thức nuôi tôm mới, sáng tạo, năm nay ông Non là gương mặt nông dân sản xuất giỏi điển hình của huyện được chọn tuyên dương cấp tỉnh và có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm NTCN để mọi người học tập, nhân rộng.

“Hiệp sĩ” từ thời chiến đến thời bình

Năm 1972-1973, ông Đào Văn Non tham gia công tác Quân y ở huyện Cái Nước. Năm 1977 gia nhập quân đội, trở thành “hiệp sĩ” chiến đấu trên chiến trường giúp nước bạn Campuchia. Nay, đã hơn 30 năm trở về cuộc sống đời thường nhưng ông Non vẫn giữ mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ: Sống giản dị, nghĩa tình và hết lòng với đồng đội, người nghèo.

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, ông còn tham gia tích cực công tác xã hội, với vai trò Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đoàn Kết; Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh xã Tân Duyệt… Ở vị trí nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhắc đến ông, mọi người không chỉ phong cho ông biệt danh “hiệp sĩ cứu tôm” mà còn thêm biệt danh “hiệp sĩ cứu người”. Chuyện là vì ông không chỉ nghiên cứu ra phương thức nuôi tôm mới, sáng tạo, giúp mô hình NTCN của gia đình ông và các hộ nuôi lân cận bền vững, thu lợi nhuận cao; mặt khác, ông còn nhiệt tình giúp đỡ đồng đội hoặc những trường hợp khó khăn, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống, vốn… giải cứu người nuôi tôm thoát qua giai đoạn ngặt nghèo.

Cùng ông Non băng qua cánh đồng NTCN rộng lớn thuộc ấp Tân Long, mất hơn 30 phút, chúng tôi đến một ngôi nhà khang trang, thoạt nhìn không ai nghĩ, chủ nhân của ngôi nhà ấy “nghèo”, nợ nần chồng chất. Tìm hiểu mới biết, gia đình ông Đinh Thanh Quang từng điêu đứng vì tôm công nghiệp.

Ông Quang NTCN từ năm 2003, sau 3 năm đầu nuôi tuy có trúng, có thất nhưng gia đình tích luỹ số tiền kha khá xây dựng được ngôi nhà khang trang trên 200 triệu đồng. Song, sau 3 năm thất tôm liên tục (2011-2013), bao nhiêu vốn liếng của gia đình “đội nón ra đi”, ông bán 1,2ha đất trả nợ “nóng” nhưng vẫn chưa hết nợ. Lâm vào cảnh nợ nần, không còn vốn tái sản xuất, ông Quang vô cùng hụt hẫng. Thấy ông Quang chí thú làm ăn, ông Non ra tay “nghĩa hiệp” cứu người bạn “đồng môn” bằng cách cho mượn vốn không tính lãi, đầu tư con giống, thức ăn…

Nhờ vậy, ông Quang mới có điều kiện tái sản xuất. Ông Đinh Thanh Quang cho biết: “Là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đoàn Kết, phụ trách sản xuất, anh Sáu Non như người anh cả, luôn gần gũi, tận tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm cho “đàn em”. Tôi và rất nhiều người nuôi tôm ở ấp Tân Long này chịu ơn anh, nhờ anh chúng tôi mới có cơ hội tìm lại hy vọng trong nghề NTCN”.

Không chỉ giúp đỡ cho ông Quang, hiện ông Non còn đang giúp đỡ 2 cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Non chia sẻ: “Mình từng đi lên từ hai bàn tay trắng, trước kia nhờ anh em, bạn bè giúp vốn tôi mới có điều kiện vươn lên từ mô hình NTCN.

Nay, anh em, đồng đội gặp khó, tôi không đành nhắm mắt làm ngơ. Đảng ủy xã Tân Duyệt cũng đang xem xét 1 hộ đặc biệt khó khăn để tôi tiếp tục hỗ trợ đến khi thoát nghèo, nhằm hưởng ứng tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường chỉ đạo giảm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, ban hành tháng 4-2014 vừa qua”.

Nhằm mở rộng mô hình NTCN, ông Non vừa thuê thêm 6 đầm tôm cùng với 4 đầm tôm của gia đình, sắp tới ông đầu tư mô hình NTCN khép kín. Bên cạnh mô hình NTCN, ông Non thuê xáng cuốc khoanh vùng ngọt hóa trên diện tích 5.000m2 đất để trồng cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt. Hiện nay, ông trồng được 110 gốc dừa xiêm lùn đang cho trái; 50 gốc thanh long… Tổng các nguồn thu, hàng năm ông Non tích lũy gần 1,4 tỷ đồng.

Một cựu chiến binh với bề dày thành tích trong thời chiến lẫn thời bình, ông Đào Văn Non đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì sự nghiệp cựu chiến binh; là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, được tuyên dương cấp Trung ương năm 2013, cấp tỉnh năm 2014, được bình chọn “Gia đình Cựu chiến binh mẫu mực”. Đặc biệt, ông được nhiều người thương yêu, quý mến và kính trọng.


Lai Tạo Thành Công Giống Bò Lai B.B.B Lai Tạo Thành Công Giống Bò Lai B.B.B Tạo Đột Phá Về Giống Trong Nâng Cao Năng Suất, Chất Lượng Cà Phê Tạo Đột Phá Về Giống Trong Nâng Cao…