Tin nông nghiệp Hiệu quả bước đầu mô hình canh tác giống lúa ST25 trên vùng nuôi Rươi

Hiệu quả bước đầu mô hình canh tác giống lúa ST25 trên vùng nuôi Rươi

Tác giả Ks. Lại Thị Trung, ngày đăng 07/04/2022

Hiệu quả bước đầu mô hình canh tác giống lúa ST25 trên vùng nuôi Rươi

Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống tốt để gieo trồng, phân bón, chế phẩm được tập huấn kỹ thuật, khuyến khích nông dân tích tụ và mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành của Tỉnh.

Sản xuất lúa gạo của Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng đang trong bước chuyển mình mạnh mẽ trước xu thế hội nhập toàn cầu. Các giống lúa của Việt Nam hiện nay đang dần khẳng định với thế giới về chất lượng đột phá. Trong đó, giống lúa ST25 đã được công nhận là một trong những giống lúa ngon nhất thế giới năm 2019. Thái Bình với ưu thế về truyền thống canh tác lúa lâu đời và được tự nhiên ban tặng cho nguồn lợi thủy hải sản có giá trị cao điển hình như con Rươi.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhân công khan hiếm, giá vật tư đầu vào cao nhưng giá thành sản phẩm bán ra thấp, dẫn đến hiệu quả thấp. Nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Trước những thách thức trên, để nâng cao hiệu quả sản suất vụ Mùa 2021 Trung tâm Khuyến nông Thái Bình thực hiện mô hình Sản xuất giống lúa ST25 trên vùng nuôi Rươi tại xã Nam Hải, huyện Tiền Hải với diện tích 2 ha. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống tốt để gieo trồng, phân bón, chế phẩm được tập huấn kỹ thuật, khuyến khích nông dân tích tụ và mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành của Tỉnh.

Qua theo dõi, đánh giá sinh trưởng phát triển cho thấy: Giống ST25 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, đặc biệt là khả năng chịu phèn mặn khá tốt. Vụ Mùa 2021 đầu vụ thời tiết khá khô hạn, ít mưa giai đoạn đầu sau khi gieo sạ từ 1 - 7 ngày. Cụ thể: Cuối tuần 2 và đầu tuần 3 tháng 6 nhiệt độ cao nắng nóng, không có mưa nên hiện tượng bốc chua mặn đã làm lúa sạ sinh trưởng chậm ở hầu hết các giống lúa khác.

Giống ST25 chịu chua mặn khá nên lúa đẻ nhánh tốt. Đến cuối vụ, do ảnh hưởng cơn bão số 7 và 8 gây mưa, gió lốc làm đổ ngã các giống lúa khác nhưng giống lúa ST25 không bị đổ. Năng suất thóc tươi trung bình đạt 36,11 tạ/ha (130 kg/sào). Giá thu mua thóc tươi là 12.700 đồng/kg, hiệu quả hơn so với diện tích cấy giống BT7 tại vùng nuôi Rươi của xã, năng suất khô đạt 100 kg/sào giá bán 8.200 đồng/kg. Qua đó cho thấy, khi tham gia mô hình các hộ dân thu lãi ròng cao hơn so với cấy lúa ngoài mô hình là 350.000 đồng/sào tương đương hơn 9.722.000 đồng/ha chưa kể phần thu nhập tăng thêm từ Rươi. Năm 2019, khi chưa canh tác mật độ lỗ rươi rất thấp cuối vụ cả diện tích 50 sào thu được 3 – 4 kg khi thực hiện mô hình mật độ lỗ rươi nhiều hơn qua hai lần đào thăm kiểm tra.

Trong quá trình canh tác, mô hình sử dụng hoàn toàn chế phẩm vi sinh, không dùng phân bón và thuốc BVTV hóa học, tuy năng suất không cao như canh tác trên diện tích gieo cấy lúa thông thường nhưng sản phẩm lúa gạo thu được có chất lượng và giá trị cao hơn. Ngoài việc thu nhập tăng lên từ lúa, cấy lúa trên vùng nuôi Rươi còn có tác dụng rất lớn trong việc che bóng cho Rươi. Bên cạnh đó, lượng rơm rạ để lại tạo lượng mùn giúp Rươi sinh trưởng phát triển tốt. Từ đó, giúp thu nhập từ con Rươi cũng tăng lên.

Mô hình canh tác lúa ST25 trên vùng nuôi Rươi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nâng cao nhận thức cho người dân cách nuôi, trồng lương thực, thực phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài sinh vật và sức khỏe cộng đồng.


Đẩy mạnh phát triển mô hình vỗ béo bò thị Đẩy mạnh phát triển mô hình vỗ béo… Hiệu quả liên kết phát triển vườn dừa hữu cơ Hiệu quả liên kết phát triển vườn dừa…