Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Sông Mã Ở Huyện Bá Thước (Thanh Hóa)
Vận dụng nguồn nước sông Mã dâng cao kể từ khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động, các hộ dân sống ven bờ sông Mã của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã phát triển mô hình nuôi cá lồng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Đỗ Duy Thường, ở thôn Măng, xã Lương Ngoại vào thời điểm anh đang vợt cá dưới lồng nuôi. Nhìn những con cá trắm to quẫy mạnh trong vợt, chúng tôi không khỏi vui lây với niềm vui của gia chủ. Anh Thường cười tươi, cho biết: Cá nặng chừng 3 kg, bán ngay cũng được gần 300.000 đồng. Cá nuôi trên triền sông này bán “được giá”, vì mọi người mua, nấu ăn đều khen thịt cá chắc, thơm, ngon hơn cá nuôi trong ao.
Qua trao đổi với anh Thường cùng một số hộ nuôi cá lồng và làm việc với ông Trương Mai Chưng, Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại, tất cả đều khẳng định: Với nguồn lợi sinh thủy từ nguồn nước do Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 mang lại; trong vùng lại sẵn có luồng để làm lồng; thức ăn cho cá không phải mua; chỉ “lấy công làm lãi”, nhưng công cũng không nhiều.
Sau buổi ra đồng, lên nương, hay dọn vườn, người dân tranh thủ gom lá mía, lá chuối, rau cỏ các loại cho cá ăn theo kiểu thủ công, nhưng cá vẫn lớn nhanh. Mỗi lồng nuôi khoảng 100 con, sau gần một năm, bình quân mỗi con nặng 2,5 kg, bán với giá 80.000 đồng/kg, cũng được trên dưới 20 triệu đồng.
Trừ tiền mua cá giống, đóng lồng... còn lãi hơn 15 triệu đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với người dân, nhất là khu vực miền núi, nên xã Lương Ngoại đã có 135 hộ nuôi, với tổng số 167 lồng, đều cho thu nhập khá. Các hộ rất phấn khởi, vì giá trị mang lại cao hơn so với các con nuôi khác.
Không chỉ làm lồng nuôi cá bằng luồng mà muốn mở rộng lồng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thường đã tìm mua cây móc làm thêm 2 lồng rộng lại chắc chắn hơn làm bằng luồng bởi làm lồng bằng luồng chỉ tốn gần 3 triệu đồng, nhưng diện tích nhỏ, chỉ nuôi được khoảng 100 con cá; sau hơn 3 năm phải thay lồng khác.
Làm lồng nuôi bằng cây móc tốn gấp đôi, nhưng mỗi lồng nuôi chừng 150 con, sau 7 – 8 năm cây móc mới hư. Ngoài thức ăn tận dụng kể trên; anh Thường cho cá ăn thêm tinh bột theo phương pháp nuôi công nghiệp, cá lớn nhanh hơn, mỗi năm nuôi 2 lứa (nuôi thủ công, mỗi năm chỉ một lứa) cho thu hoạch gấp 3 lần.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá lồng trên sông mang lại cho bà con nhân dân trong vùng, huyện Bá Thước đã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và động viên bà con nhân rộng mô hình. Nhiều hộ dân ở các xã dọc sông Mã (phía thượng nguồn nhà máy thủy điện), như: Điền Lư, Lương Ngoại, Ái Thượng, Lâm Xa, Thiết Ống, Ban Công... đã tận dụng các yếu tố sẵn có để phát triển nuôi cá lồng.
Năm 2014, toàn huyện có 860 lồng, mang lại nguồn thu gần 20 tỷ đồng, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Phát huy ưu điểm này, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tìm kiếm các loại giống cá, thức ăn, biện pháp thâm canh thích hợp, giúp các hộ nâng cao sản lượng, giá trị con cá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ