Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Xen Canh, Luân Canh Lạc, Đậu Tương Với Mía
Cây mía đã và đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ độc canh cây mía làm cho diện tích trồng mía chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, và việc trồng mía trong thời gian dài đã khiến cho đất trở nên cằn cỗi làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây mía.
Giải quyết vấn đề này, với mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững các vùng nguyên liệu của tỉnh, tháng 9 năm 2010, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm Chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến nông Hà Nội thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình xen canh, luân canh bắt buộc một số loại cây trồng với mía tại Thanh Hóa”. Đề tài được triển khai thực hiện tại 2 huyện trọng điểm về trồng mía của tỉnh là Thọ Xuân và Thạch Thành.
Tại xã Thành Trực (Thạch Thành), nơi thực hiện mô hình xen canh, luân canh đậu tương và lạc trên đất mía, nhiều hộ dân bày tỏ, việc lâu nay họ vẫn luôn mong muốn xen canh một loại cây gì đó với mía để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, cái khó là họ không biết bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào.
Mô hình xen canh, luân canh lạc, đậu tương với mía được thực hiện dường như đã gỡ được sự trăn trở bấy lâu của các hộ dân. Với 0,5 ha giống lạc L26 và 0,5 ha giống đậu tương DT26, DT84 được thực hiện trồng xen với mía trên địa bàn xã, các hộ dân đã được hướng dẫn quy trình, kỹ năng từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Và niềm vui như được nhân lên, khi diện tích được trồng xen canh không những đất tơi xốp và màu mỡ trở lại, mà các cây trồng được trồng xen canh từ cây mía đến cây lạc, đậu tương đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Theo tính toán của các hộ dân, ngoài giá trị kinh tế từ cây mía, người dân còn có nguồn thu thêm khoảng 120-125 triệu đồng/ha/năm đối với cây lạc được trồng xen canh, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 đến 45 triệu đồng/ha/năm.
Trên diện tích đất đồi được thực hiện xen canh mía với đậu tương thì ngoài việc giữ nguyên giá trị từ cây mía, còn cho nông dân thu lãi thêm từ 10 đến 15 triệu đồng/ha.
Kết quả từ thực tế cho thấy, tuy mới được thực hiện với quy mô nhỏ, song mô hình thực sự đã mở ra hướng mới cho bà con trồng mía trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Và điều quan trọng hơn, mô hình còn giúp dần thay đổi nhận thức độc canh truyền thống của nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ