Hiệu quả chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi, cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hiệu quả quy trình VietGap thuộc Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap” trong chăn nuôi lợn.
Chị Lê Thị Kim Dung, xóm Bến Đò 1, xã Hoàng Tung (Hòa An) thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Từ năm 2013 đến nay, khi tham gia nhóm chăn nuôi VietGap, gia đình chị Lê Thị Kim Dung, xóm Bến Đò 1, xã Hoàng Tung (Hòa An) đã chủ động phòng bệnh, chăm sóc đàn lợn đem lại hiệu quả. Gia đình chị thường xuyên nuôi trên 30 con lợn. Mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa xuất chuồng 10 - 15 con lợn hơi, trung bình trọng lượng đạt từ 90 - 100 kg/con; trừ chi phí đầu tư, mỗi năm thu nhập 50 - 60 triệu đồng.
Không chỉ gia đình chị Dung mà nhiều gia đình khác khi tham gia mô hình nuôi lợn áp dụng quy trình VietGap triển khai tại huyện Hòa An đều đem lại hiệu quả cao, thu nhập hơn 60 - 70 triệu đồng/năm. Chị Lý Thị Xanh, thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) cho biết: Tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap”, tiếp cận với quy trình chăn nuôi VietGap, gia đình tôi được hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, bể bioga xử lý chất thải, máng chăn nuôi công nghiệp, nuôi lợn thịt theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi bằng phương pháp thủ công. Do chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nên lợn thương phẩm được thương lái mua với giá cao hơn lợn nuôi bình thường.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lifsap “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap” Hoàng Thị Hiếu, từ năm 2010 đến nay, Dự án đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho 635 hộ chăn nuôi thuộc các xã: Hoàng Tung, Hồng Việt, Bình Long, Nam Tuấn, Đức Long, Bế Triều (Hòa An) và thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng), thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa) để nâng cấp, sửa chữa chuồng trại chăn nuôi. Trong đó có 40/635 hộ chăn nuôi tham gia nhóm GAHP, hộ mẫu thực hành chăn nuôi tốt được hỗ trợ trên 6 triệu đồng/hộ, số hộ còn lại được hỗ 3 triệu đồng/hộ. Huyện Hòa An là một trong những huyện thực hiện chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap hiệu quả với 478 hộ, 31 nhóm tham gia. Các hộ được lựa chọn tham gia mô hình là những hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn nuôi thường xuyên từ 5 - 10 con, đáp ứng điều kiện, quy trình chăn nuôi...
Qua 5 năm triển khai mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình VietGap, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sinh Cung khẳng định: Các hộ chăn nuôi trong vùng dự án đã nâng cao ý thức chăn nuôi để cung cấp những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng; biết chủ động bảo vệ đàn lợn thông qua việc tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định, phun thuốc sát trùng định kỳ 2 lần/tháng để phòng, chống dịch bệnh, tạo được thói quen ghi chép nhật ký sản xuất để kiểm soát thời gian tiêm vắc xin cũng như tính các chi phí đầu tư... Tổng đàn lợn tăng từ 15 - 25 con/hộ. Trọng lượng khi xuất chuồng đạt từ 80 - 100 kg/con, tăng cao hơn so với chăn nuôi truyền thống; tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% số gia súc trong diện tiêm; môi trường chăn nuôi trong vùng không bị ảnh hưởng xấu và sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng các bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi còn giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm nhiên liệu cho đun nấu, tạo nguồn phân bón hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 512/635 lượt hộ đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận VietGap.
Chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, việc tiếp cận sản phẩm thịt lợn an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế do mắc ở khâu phân phối sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân đứng ra tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn. Các chợ chưa có các gian hàng bán sản phẩm thịt lợn VietGap. Tỉnh chưa có khu giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn. Lợn nuôi theo quy trình VietGap hiện nay chỉ bán nhỏ lẻ cho các tiểu thương, thịt bị bán trôi nổi ngoài thị trường cùng với thịt lợn không đảm bảo an toàn.
Để mô hình phát huy hiệu quả và được nhân rộng, cần có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp trong xây dựng các khu giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hệ thống tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn... Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ