Hiệu Quả Chuyển Đổi Sản Xuất Theo Mô Hình Lúa + Cá Trên Vùng Ngập Lũ Hậu Mỹ Bắc A (Tiền Giang)
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng "chung sống với lũ" trong giai đoạn 2011 - 2015, Tiền Giang triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang có tổng nguồn vốn khoảng 25 tỉ đồng trên qui mô 100 ha.
Trong vùng dự án, địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đê bao và cống đập ngăn lũ, nạo vét kênh mương xổ xã xả và lấy nước phục vụ sản xuất, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn giúp vận chuyển, tiêu thụ nông sản hàng hóa và đi lại,...Bên cạnh đó, tập trung khuyến ngư, khuyến nông chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa độc canh sang áp dụng mô hình canh tác mới: trồng lúa trong vụ đông xuân hàng năm, các vụ còn lại chuyển sang ương dưỡng, nhân và cung ứng cá giống nước ngọt các loại phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản ngọt trong ngoài tỉnh. Mô hình mới khắc phục được tình trạng sản xuất độc canh cây lúa, giảm thiểu được nguy cơ lũ lụt gây hại cho lúa vụ ba vừa mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Ông Âu Văn On, khuyến nông - khuyến ngư viên xã Hậu Mỹ Bắc A, đồng thời là người đi tiên phong chuyển đổi sản xuất theo mô hình lúa + cá cho biết: Ông hiện có 2,4 ha đất trồng lúa đã chuyển sang làm 1 vụ lúa đông xuân và thời gian còn lại trong năm quay được từ 5 đến 6 vụ ương dưỡng cá giống (trung bình 1,5 tháng/ vụ cá giống) đạt giá trị sản xuất trên 300 triệu đồng/ năm. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông còn lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ áp dụng theo mô hình mới, gia đình ông không chỉ vượt khó, thoát nghèo mà những năm gần đây có tích lũy, khấm khá hẳn lên.
Ông Lê Quốc Vũ, cư ngụ tại xã Hậu Mỹ Bắc A, là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những điển hình áp dụng thành công mô hình trên diện tích sản xuất 1 ha, mỗi năm thu lợi nhuận ròng trên 100 triệu đồng. Ông cho biết: Canh tác theo mô hình mới, nông dân giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu, hoàn toàn không phải xịt thuốc cỏ; chưa kể khi nuôi cá còn tận dụng được rơm rạ mục làm nguồn thức ăn cho cá nên chi phí giảm đáng kể. Ô nhiễm môi trường do vậy cơ bản được khắc phục, các giống thủy sản nước ngọt trong nội đồng và trên kênh rạch trong vùng dự án phục hồi dần.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A đánh giá: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại địa phương đang mang lại hiệu quả lớn, giúp nhân dân địa phương khắc phục được ảnh hưởng thiên tai, an tâm chung sống với lũ. Hàng năm, vùng nuôi đạt sản lượng cung ứng cho thị trường gần 900 triệu con cá bột, trên 400 tấn cá giống các loại, định hình được cánh đồng 100 triệu đồng/ ha trên vùng ngập lũ Tiền Giang, nhân dân địa phương đã có cuộc sống ổn định, một bộ phận nhân dân giàu có lên, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới.
Nguồn bài viết: http://tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1257/67200/Nong-nghiep---Phat-trien-nong-thon/Hieu-qua-chuyen-doi-san-xuat-theo-mo-hinh-lua---ca-tren-vung-ngap-lu-Hau-My-Bac-A.aspx
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ