Mô hình kinh tế Hiệu quả công tác khuyến nông ở Vân Canh

Hiệu quả công tác khuyến nông ở Vân Canh

Ngày đăng 06/09/2015

Hiệu quả công tác khuyến nông ở Vân Canh

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh, cho biết: “Để giúp đồng bào Chăm và Bana trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng được các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, gắn sản xuất với thị trường, những năm qua, bằng vốn của Chương trình 135, 134 và 30a..., huyện Vân Canh đã ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất; hỗ trợ giống, phân bón...

Nhờ vậy, đến nay bà con đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao hơn”.

Chị Đinh Thị Bích Liên - ở làng Chồm, xã vùng cao Canh Liên - cho hay: “Cách đây 5 năm, được cán bộ khuyến nông huyện bày cho cách trồng lúa nước, mình đã khai phá hơn 5 sào ruộng tại khu vực Nước Lâu để làm theo. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật từ làm đất đến chăm sóc lúa, làm cỏ, bón phân… nên ngay trong năm đầu tiên trên diện tích vừa mới khai hoang mình đã thu gần 7 tạ thóc”.

Bây giờ, đồng bào Chăm, Bana ở Vân Canh đã quen thuộc với việc trồng lúa nước, biết lên lịch thời vụ, chăm sóc, bón phân cho lúa…Những thay đổi trong nếp nghĩ cách làm của bà con có phần đóng góp tích cực của những người làm công tác khuyến nông.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những người làm công tác khuyến nông ở Vân Canh đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giải thích những vướng mắc trong sản xuất, tận tình giúp đồng bào các dân tộc nơi đây sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Những hình ảnh cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con trồng mì, trồng keo, nuôi bò, nuôi dê… đã trở thành quen thuộc với bà con. Anh Trần Văn Lợi, ở làng Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, thổ lộ: “Nhờ có cán bộ khuyến nông thường xuyên về làng hỗ trợ nên phong trào sản xuất chăn nuôi ở đây mới phát triển mạnh. Nhờ được cán bộ hướng dẫn trồng cây mì, cây keo, chăn nuôi dê mà nhiều hộ đã có được nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm mình thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng nhờ bán dê, mì, bán cây keo…”.

Anh Trần Văn Đúc - ở làng Canh Lãnh, xã vùng xa Canh Hòa - cho biết: “Bà con xem cán bộ khuyến nông như những người con của làng. Mỗi khi có cán bộ khuyến nông về làng, bà con tập trung đông đủ để nghe cán bộ hướng dẫn về cách làm ăn mới”.

Cũng như nhiều bà con Chăm, Bana trên địa bàn huyện, anh Răh Lan Hùng- ở làng Kà Xiêm, xã vùng sâu Canh Thuận- rất phấn khởi khi được tham gia mô hình nuôi bò vỗ béo. Anh tâm sự: “Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền con giống và thức ăn, mình còn được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho bò. Mô hình này sẽ giúp mình có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò vỗ béo để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”.       

Làm công tác khuyến nông ở huyện miền núi không chỉ là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, cán bộ khuyến nông còn phải biết chia sẻ với bà con, biết lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương và phải có cách truyền đạt phù hợp với nhận thức cũng như tập quán sản xuất của đồng bào miền núi để có thể đạt kết quả mong muốn.

Nhờ làm tốt công tác khuyến nông, đưa tiến bộ KHKT về đến tận làng, thôn đã giúp cho đồng bào Chăm và Bana ở huyện miền núi Vân Canh thay đổi được cách nghĩ cách làm, sản xuất có hiệu quả hơn, cuộc sống của bà con đã thật sự đổi thay.


Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh 8 tháng đạt gần 140 ngàn tấn Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh… Miếng bánh mắc ca không lớn Miếng bánh mắc ca không lớn