Mô hình kinh tế Hiệu quả dự án chăn nuôi đại gia súc

Hiệu quả dự án chăn nuôi đại gia súc

Ngày đăng 27/11/2015

Hiệu quả dự án chăn nuôi đại gia súc

Cải tạo đàn bò

Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại 11 tỉnh với quy mô gần 6.000 con bò.

Bà Nguyễn Thị Hải, Trung tâm KNQG, chủ nhiệm dự án cho biết, giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi.

Thụ tinh nhân tạo làm tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt, sữa; khắc phục sự chênh lệch về tầm vóc, khối lượng, tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên.

Sau gần 2 năm triển khai, có 41/42 xã đang thực hiện chương trình xây dựng NTM được chọn thực hiện.

Dự án đã sử dụng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB.

Qua tổng kết, ông Nguyễn Hữu Tiệp, Trại trưởng trại giống bò Điềm Thụy, huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết, bò đực giống BBB cho trọng lượng bê sơ sinh nặng từ 28 – 30 kg.

Đến 3 tháng tuổi nặng từ 135 – 140 kg; 6 tháng tuổi đã nặng từ 150 – 200 kg.

Ông Hà Trọng Sinh, xóm Đông Hồ, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình cho biết, bê lai khi sinh ra có tầm vóc gấp đôi so với bê cỏ thông thường.

Chân to, dài, lông thẫm hoặc lang.

Đặc biệt là bê không phát triển u, rốn, yếm mà phát triển mạnh mông và vai.

Với chỉ số bê sẽ nặng từ 550 – 600 kg sau 18 tháng thì chắc chắn tỷ lệ thịt xẻ cao, bán sẽ rất được giá.

Khi thực hiện dự án, xã Thượng Đình có 127 bò nái được thụ tinh nhân tạo.

Ông Dương Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình cho hay, toàn xã có trên 1.000 con bò, trong đó bò nái chiếm 90%.

Tuy nhiên, việc thụ tinh nhân tạo mới chỉ chiếm được khoảng 40%.

Kết quả nhìn thấy từ dự án chắc chắn sẽ tác động mạnh đến việc thay đổi cách thức phối giống cho bò nái của người chăn nuôi trên địa bàn.

Đánh giá của đơn vị triển khai dự án, phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo làm tăng nhanh quy mô đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau.

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG đã đánh giá cao hiệu quả của hai dự án trong lĩnh vực chăn nuôi nói trên.

Các hoạt động của dự án nằm trong chương trình và mục tiêu chung của ngành nông nghiệp như xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Qua đó, đề nghị các địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp duy trì và nhân rộng.

Thụ tinh nhân tạo tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng Việt Nam.

Bình quân mỗi bê lai có giá trị cao hơn bê nội 3 triệu đồng/con.

Ông Phạm Gia Huỳnh, GĐ Trung tâm Giống vật nuôi Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã thực hiện thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh theo cơ chế hỗ trợ tinh bò và thiết bị phối giống.

Hiện chưa có cơ chế hỗ trợ thù lao cho đội ngũ dẫn tinh viên.

Từ thực tế đó, ông Nông Xuân Bắc, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho hay, Sở sẽ tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh xem xét việc duy trì, nâng cao cơ chế hỗ trợ chương trình theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ.

Chăn nuôi trâu sinh sản

Dự án chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ được Trung tâm KNQG triển khai thực hiện trên phạm vi 9 tỉnh, 24 xã với trên 300 hộ tham gia.

Ông Hoàng Văn Định, chủ nhiệm dự án cho biết, tại các địa phương nơi triển khai dự án, trâu nuôi chủ yếu là trâu dé, tầm vóc nhỏ, nguy cơ đồng huyết cao, rất dễ dẫn đến giảm năng suất và chất lượng về sau.

Mặt khác, trình độ chăn nuôi của các hộ vẫn còn lạc hậu và nặng về tập quán tự do chăn thả, thiếu kiểm soát, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Thói quen của người chăn nuôi là chọn giống “ngược”, tức là bán đi con to khỏe, phẩm chất tốt trong khi lại giữa lại các con trâu giống nhỏ, ngoại hình kém.

Dự án đã hỗ trợ 24 trâu đực giống có tiềm năng, tầm vóc lớn từ dòng trâu Ngố; 302 trâu cái được bình tuyển có gia phả giống bố mẹ tốt.

Theo ước tính, thông qua hiệu quả từ việc phát hiện động dục sớm, chăm sóc trâu sinh sản trước và sau khi sinh, tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp và kiểm soát dịch bệnh thường xuyên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hộ tham gia mô hình từ 10 – 15% so với các hộ chăn nuôi không kiểm soát, chăn nuôi tự phát.


Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên chuyển biến tích cực Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên chuyển… Ngư dân được chăm lo hơn Ngư dân được chăm lo hơn