Hiệu quả kép của cánh đồng lớn
Năng suất bình quân những cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa đạt 68,4 tạ/ha, lợi nhuận bình quân hơn 17,9 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất lúa bên ngoài gần 3,9 triệu đồng/ha.
Cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống của Tập đoàn ThaiBinh Seed tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Trong năm 2021, Bình Định đã thực hiện được 270 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và cánh đồng lớn (CĐL) liên kết sản xuất lúa giống. Trong đó, vụ đông xuân (ĐX) 2020 - 2021 thực hiện 150 CĐML, vụ thu 2021 thực hiện 116 CĐML trên lúa và 4 CĐML canh tác cây trồng cạn (đậu phộng), tăng 6 cánh đồng so với năm 2020. Diện tích thực hiện CĐML là hơn 13.188 ha, tăng hơn 331 ha so với năm 2020.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, Bình Định còn thực hiện được 58 cánh đồng tiên tiến sản xuất lúa với diện tích hơn 697 ha; vụ ĐX 2020 - 2021 thực hiện được 38 cánh đồng và vụ thu 2021 thực hiện 20 cánh đồng, tăng 44 cánh đồng so với năm 2020.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, năng suất bình quân cả năm của những CĐL liên kết sản xuất lúa giống đạt 68,5 tạ/ha, lợi nhuận ước đạt hơn 35,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng canh tác lúa thương phẩm cùng điều kiện bình quân hơn 17,6 triệu đồng/ha nhờ giá thu mua 1 kg lúa giống bằng 1,25 - 1,3 kg lúa thịt.
Năng suất bình quân của những CĐML sản xuất lúa đạt 68,4 tạ/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 17,9 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất lúa bên ngoài cùng điều kiện khoảng gần 3,9 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, năng suất bình quân của 4 CĐML sản xuất đậu phộng cũng đạt đến 42 tạ/ha, mức năng suất kịch trần, lợi nhuận bình quân đạt hơn 28,2 triệu đồng/ha, cao hơn đậu phộng sản xuất bên ngoài cùng điều kiện bình quân hơn 3,5 triệu đồng/ha.
Ngoài mang lại hiệu quả về kinh tế, CĐML và CĐL liên kết sản xuất lúa giống ở Bình Định còn nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán nông sản và năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
“Tham gia sản xuất trên CĐL, CĐML liên kết sản xuất lúa giống, nông dân được nâng cao trình độ thâm canh cây lúa, cây trồng cạn. Đồng thời ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, tưới nước hợp lý, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và nguồn nước, giảm tích tụ hóa chất độc hại trong nông sản, giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Môi trường sống của cộng đồng và sức khỏe của nông dân trực tiếp sản xuất được bảo vệ tốt hơn”, ông Huỳnh Việt Hùng chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, CĐML và CĐL áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất, nhằm làm giảm khí phát thải CO2, CH4, N2O ra môi trường, hạn chế được khả năng gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu và hình thành tư duy sản xuất tập trung, tạo gắn kết giữa các HTX với nông dân và doanh nghiệp.
Cũng theo bà Trân, trong năm 2022, Bình Định tiếp tục duy trì các CĐML sản xuất lúa, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ lúa/năm, thực hiện CĐML sản xuất cây trồng cạn trên đất trồng lúa, đất trồng mía và đất trồng mì kém hiệu quả, quy hoạch mở rộng những vùng đủ điều kiện xây dựng các CĐL liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ...
Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện CĐML và CĐL liên kết vụ ĐX 2021 - 2022. Dự kiến trong vụ ĐX 2021 - 2022, Bình Định sẽ thực hiện 164 CĐL, CĐML và cánh đồng tiên tiến với diện tích hơn 8.085 ha. Trong đó, có 153 CĐML sản xuất lúa với diện tích hơn 6.953 ha; 8 CĐL liên kết sản xuất lúa giống tại Thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước với diện tích 982 ha; 3 CĐML sản xuất cây trồng cạn với diện tích 150ha.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ