Tin nông nghiệp Hiệu quả kép từ xử lí rơm rạ bằng chế phẩm sinh học EMUNIV

Hiệu quả kép từ xử lí rơm rạ bằng chế phẩm sinh học EMUNIV

Tác giả Thế Tấn, ngày đăng 22/05/2021

Hiệu quả kép từ xử lí rơm rạ bằng chế phẩm sinh học EMUNIV

Mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học EMUNIV do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ triển khai đang mang lại hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Những mô hình này không chỉ giúp người canh tác lúa nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mà lợi ích hết sức quan trọng nữa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp hạn chế việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tận dụng được nguồn hữu cơ sẵn có tại ruộng để cải tạo đất trồng.

Chế phẩm EMUNIV là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, chuyển giao. EMUNIV giúp phân giải nhanh rơm rạ thành mùn, chống ngộ độc hữu cơ cho cây, cân bằng độ pH đất, cải thiện hệ vi sinh vật, ức chế và tiêu diệt nấm bệnh trong đất.

Kết quả mô hình thử nghiệm sử dụng chế phẩm EMUNIV trên cánh đồng 25ha vụ mùa năm 2019 trên giống lúa J02 tại HTX Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho thấy, với liều lượng và phương pháp sử dụng 5 - 7 kg EMUNIV/ha trộn đều với đất bột rồi rắc lên rơm, rạ trên ruộng đã tháo kiệt nước, dùng máy phay vùi rơm rạ xuống bùn, để phơi lộ ruộng 10 ngày, để lắng bùn 1 - 2 ngày rồi tiến hành cấy giúp cây lúa cao, thân cứng khỏe, lá lúa xanh lâu hơn, năng xuất tăng so với phương pháp canh tác truyền thống.

Hay mô hình xử lý rơm rạ trên diện tích 100ha lúa vụ mùa năm 2020 tại xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã phần nào chứng minh được hiệu quả thực tế của chế phẩm EMUNIV mang lại. Bà Phạm Hương Hà, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, người đang theo dõi mô hình sử dụng chế phẩm EMUNIV cho biết, tại Thái Nguyên, chế phẩm không chỉ được áp dụng và phát huy hiệu quả trên mô hình với cây lúa, ngoài ra nó còn được sử dụng và đem lại hiệu quả rất tốt trên cây chè hay xử lý môi trường tại hơn 30 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Đánh giá hiệu quả sau khi dùng chế phẩm EMUNIV, ông Huỳnh Trung Thụ, chủ ruộng lúa đang áp dụng mô hình theo hướng hữu cơ tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang hồ hởi chia sẻ: So với các sản phẩm sử dụng trước đây, sau khi dùng chế phẩm của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ ruộng lúa của gia đình tôi hầu như không bị bệnh nên đã hạn chế rất nhiều lượng thuốc trừ sâu, lúa dễ bán cho thương lái bởi gạo sau khi kiểm tra không có dư lượng thuốc BVTV. Dùng chế phẩm EMUNIV hay quá nên tôi giới thiệu cho cả anh sui đang nuôi tôm dùng thử.

Gần đây nhất, nghiệm thu mô hình ngày 25/2/2021 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước tỉnh Long An sử dụng chế phẩm EMUNIV cho thấy, năng xuất tăng 19%, lợi nhuận tăng từ 18 - 33% (từ 3,2 - 5,8 triệu đồng/ha) so với qui trình cũ nhờ nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo.

Đặc biệt, mô hình có khả năng nhân rộng cao bởi phương pháp thực hiện đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm được chi phí nhân công lao động, hiệu quả bền vững trong bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu việc đốt rơm rạ.


Hồ hởi lúa theo hướng hữu cơ Hồ hởi lúa theo hướng hữu cơ Phòng trừ sâu vẽ bùa hại bưởi, cam, quýt Phòng trừ sâu vẽ bùa hại bưởi, cam,…