Mô hình kinh tế Hiệu quả kinh tế từ những mô hình chuyển đổi

Hiệu quả kinh tế từ những mô hình chuyển đổi

Ngày đăng 09/09/2015

Hiệu quả kinh tế từ những mô hình chuyển đổi

Mới thu hoạch thắng lợi vụ khóm đầu tiên, bà Huỳnh Thị Bé Sáu, ở ấp 1, xã Vị Tân, phấn khởi nói: “Nhận thấy trồng mía không còn hiệu quả, nên gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất từ trồng mía sang trồng khóm. Sau  8 tháng trồng, gia đình tôi vừa thu hoạch trên 1.000m2 diện tích chuyển đổi được 1 thiên khóm, bán với giá 8.000 đồng/trái.

Được mùa, trúng giá, gia đình rất vui, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gấp  5-7 lần so với trồng mía. Sắp tới đây, gia đình tôi tiếp tục chuyển đổi phần diện tích đất còn lại sang trồng khóm và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao”.

Ấp 1 là một trong những ấp có diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả nhanh nhất của xã Vị Tân. Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Vị Tân, cho biết: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong ấp, đời sống được nâng lên.

Đến nay, có 95% hộ dân trên địa bàn ấp mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Trong năm 2014, toàn ấp chuyển đổi được 30ha, sang năm 2015 chuyển đổi thêm 70ha. Tính đến thời điểm này, toàn ấp đã chuyển đổi đạt 100% diện tích vườn tạp kém hiệu quả. Trong đó, chuyển sang cây khóm chiếm khoảng 60%, rau màu 20%, còn lại 20% mía, cây ăn trái.

Nâng tổng diện tích trồng khóm trên toàn ấp lên 120ha, giảm 85ha diện tích trồng mía.

Qua chuyển đổi, có 50% diện tích trồng khóm cho thu hoạch. Trong thời gian tới, để đời sống người dân càng phát triển, địa phương tiếp tục vận động chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho thu nhập cao hơn.

Hướng tới sẽ thành lập thêm tổ hợp tác trồng khóm, để tạo đầu ra cho cây khóm tốt hơn. Còn đối với hộ nghèo, chúng tôi tìm hiểu nhu cầu của hộ, có giải pháp tốt nhất về vốn, cây con giống giúp hộ có giải pháp sản xuất, kinh doanh thoát nghèo bền vững”.

Theo bà Trần Thị Út Nhỏ, cán bộ bảo vệ thực vật xã Vị Tân, để góp phần cho người dân trong kỹ thuật trồng đạt hiệu quả cao, xã đã mở được 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, phòng ngừa sâu bệnh trên cây có múi.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Vị Tân cho biết, sau khi được công nhận xã nông thôn mới, tình hình kinh tế có sự phát triển tốt hơn. Nổi bật trong đó là chuyển đổi cây trồng như mô hình trồng rau màu khóm trái có giá cao, giúp thu nhập người dân được nâng lên, bình quân cho thu nhập trên 30 triệu đồng/ha. Tính đến cuối tháng 4 - 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Nguyên nhân đạt kết quả trên, nhờ Đảng ủy, UBND xã của cán bộ tham quan những mô hình kinh tế cao ở các nơi khác, sau đó về triển khai và nhân rộng mô hình trong hộ dân.

Hiện tại, địa bàn xã có mô hình rau an toàn, mô hình nuôi lươn sinh sản đang thực hiện thí điểm. Để nâng cao thu nhập người dân, xã tiếp tục nhân rộng những mô hình chuyển đổi cho thu nhập cao đến hộ dân, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường vận động hộ dân chuyển đổi 9,5ha vườn tạp còn lại, phấn đấu đến năm 2016 chuyển đổi được 7ha sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn.


 Nguy cơ đói mía nguyên liệu Nguy cơ đói mía nguyên liệu Xây dựng nông thôn mới khi thiếu sức trẻ Xây dựng nông thôn mới khi thiếu sức…