Mô hình kinh tế Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học

Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học

Ngày đăng 22/08/2015

Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học

Là địa phương có nghề nuôi vịt rất phát triển, cùng với việc thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt ATSH ấp Tân Lập vào năm 2012 (19 thành viên) đã giúp cho đời sống của người dân chăn nuôi ở xã Tân An đi vào ổn định. “Những năm qua nghề chăn nuôi gặp không ít khó khăn, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, giá thức ăn tăng cao cùng dịch bệnh gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Điều này gây trở ngại rất nhiều cho người nông dân, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ…”- ông Trương Văn Nhích, Tổ trưởng THT phân tích.

Từ đó, khi tham gia vào THT, các thành viên sẽ ý thức được trách nhiệm hỗ trợ, động viên nhau về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh. Với mục đích làm cho đàn vịt tăng trọng, phát triển và sinh sản tốt trong thời gian nuôi ngắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nhích bắt đầu chuyển qua mô hình nuôi vịt ATSH từ năm 2012. Bên cạnh việc được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Nhích còn đi tham quan nhiều mô hình chăn nuôi ATSH ở xã Núi Voi (Tịnh Biên), Phú Vĩnh (TX. Tân Châu)…

Những thành viên trong THT là những hộ chăn nuôi truyền thống từ lâu đời nên đã có kinh nghiệm, nhận thức về chăn nuôi ATSH cũng dần thay đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi nên đạt hiệu quả cao. “Nói là chăn nuôi ATSH phức tạp, nhưng đơn giản là giữ cho môi trường chăn nuôi được thông thoáng, sạch sẽ. Chuồng trại có hố sát trùng, con giống và thức ăn mua ở nơi uy tín và chất lượng… là một trong những phương pháp phòng, chống bệnh hiệu quả”- ông Nhích chia sẻ.

Bên cạnh đó, nuôi vịt ATSH là giảm việc chạy đồng trong nuôi vịt, giảm chi phí cũng như rủi ro hao hụt trong quá trình di chuyển, dịch bệnh. Theo tính toán, nếu nuôi vịt chạy đồng tỷ lệ hao hụt có thể ở mức 10%, thì chăn nuôi nhốt tại chỗ, tỷ lệ hao hụt chỉ ở mức 2%. Vì khi nuôi nhốt lại, hàng ngày có thể quan sát, quản lý dịch bệnh để kịp thời phòng tránh cũng như chữa trị, còn nuôi thả lan như chạy đồng khó quản lý được.

Khi bà con nông dân vào THT, việc tập trung mua con giống với số lượng lớn, thuốc thú y, các dụng cụ chăn nuôi… đều có giá thành thấp hơn mua nhỏ lẻ. Đồng thời, khi xuất bán sản phẩm thịt, trứng với số lượng lớn thì có thể liên hệ ngay đại lý, công ty thu mua, không phải qua trung gian nên bán được giá cao hơn.

Nhờ vậy, làm tăng thêm lợi nhuận cho người chăn nuôi. Do có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi lâu năm nên vịt khi nuôi từ 3 – 4,5 tháng là đã có thể thu hoạch trứng. Vịt có thể cho trứng liên tục trong 2 năm, sau thời gian đó thì bán vịt thịt và bắt giống mới để có năng suất và chất lượng trứng tốt hơn. Vịt nuôi được tiêm ngừa thường xuyên, đúng liều, có thể những nơi khác bùng dịch thì ở địa phương đã có những biện pháp phòng bệnh. “Những hộ trong THT nuôi số lượng nhiều, từ 1.000 - 4.000 con/hộ. Nếu bình quân nuôi 1.000 con vịt, với giá 2.000 đồng/hột, trừ hết chi phí, bà con có thể lời trên 100 triệu đồng/năm”- ông Nhích cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Nguyễn Văn Diệu, xã Tân An hiện có khoảng 85 hộ chăn nuôi vịt theo mô hình ATSH, trong đó tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Lập. Lợi ích mà mô hình ATSH đem lại là môi trường chăn nuôi trở nên thân thiện hơn. Đồng thời, vì là mô hình điểm nên được hỗ trợ con giống, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.... Hàng năm, Hội Nông dân xã xem xét các hộ khó khăn trong THT để cho vay vốn với lãi suất thấp (4 triệu đồng/hộ) và sẽ quay vòng cho các hộ trong tổ.


Bổ sung 128 tỷ đồng mua hạt giống Bổ sung 128 tỷ đồng mua hạt giống Phát sinh thêm một ổ dịch cúm gia cầm Phát sinh thêm một ổ dịch cúm gia…