Tin thủy sản Hiệu quả mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất tại An Giang

Hiệu quả mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất tại An Giang

Tác giả M.H, ngày đăng 25/10/2021

Hiệu quả mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất tại An Giang

Mô hình ‘Nuôi cá mè hôi trong ao đất’ của ông Ngô Bá Tùng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng được Trạm Khuyến nông TP Long Xuyên hỗ trợ xây dựng từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông An Giang. Bước đầu mô hình đã giúp nông dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ tháng 3/2020, Trạm Khuyến nông TP Long Xuyên đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho ông Ngô Bá Tùng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng thực hiện mô hình nuôi cá mè hôi trong ao đất với diện tích 300 m2. Đến nay, lứa cá đầu tiên đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho gia đình.

Theo ông Tùng, để nuôi cá mè hôi đạt năng suất cao, khâu chuẩn bị ao nuôi là quan trọng nhất nên phải chuẩn bị thật kỹ. Theo đó, trước khi thả giống, ao phải được tát cạn, vét bùn đáy ao, lấp hết các hang cua, ếch, đồng thời đắp lại chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, diệt cỏ quanh bờ… Ao nuôi cá phải có nguồn cấp thoát nước dễ dàng, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải nông nghiệp và công nghiệp… Trước khi thả con giống, ao nuôi cần phải rải vôi đều mặt đáy và bờ ao để sát khuẩn và diệt tạp rồi phơi ao trong 3 ngày, sau đó tiến hành cấp nước vào ao nuôi qua lưới lọc để tránh trứng cá tạp, giáp xác… lọt vào ao. Đồng thời, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước trước khi thả cá vào ao, như: độ pH, nhiệt độ, màu nước…

Ngoài việc chuẩn bị tốt môi trường nuôi, việc lựa chọn con giống đạt chuẩn là yếu tố quan trọng đảm bảo năng suất, chất lượng. Con giống phải được mua từ trại sản xuất giống có uy tín để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nên lựa chọn con giống đồng cỡ, bơi lội khỏe mạnh, không bị xay xát, dị hình… Trọng lượng con giống đạt từ 41 con/kg. Mật độ thả nuôi thưa, khoảng 2 con/m2. Trước khi thả cá cần phải tắm bằng muối kết hợp oxytetracycline.

Nuôi cá mè hôi trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu nên người nuôi không mất công chuẩn bị thức ăn. Tùy thuộc vào thời tiết, tình trạng cá mà điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày phù hợp cho cá, tránh thức ăn dư thừa phát sinh bệnh và gây ô nhiễm môi trường nước. Do tập tính cá mè hôi rất nhát và ăn đáy, bắt mồi mạnh vào ban đêm nên lượng thức ăn buổi tối nhiều hơn buổi sáng. Cá mè hôi trong tự nhiên sống chủ yếu môi trường nước chảy, nên trong ao có trang bị thêm máy sục khí ở giữa ao để cung cấp thêm ôxy cho cá vào ban đêm. Định kỳ 2 lần mỗi tuần, trộn vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn cho cá, đồng thời thay nước mỗi tuần 1 lần để đảm bảo môi trường thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển.

Sau hơn 1 năm thử nghiệm loại thủy sản mới này, ông Tùng cho biết, đây là loại cá dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt thấp, trong quá trình nuôi, chưa thấy xuất hiện dịch bệnh. Cá nuôi trong khoảng 2 năm có thể thu hoạch. Thời điểm này, cá có trọng lượng đạt từ 1 kg trở lên.

Hiện nay, nhờ chất lượng thịt thơm ngon, mùi vị đặc trưng… nên cá mè hôi được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán tốt, cộng với nguồn giống cá mè hôi từ sinh sản nhân tạo dồi dào, nên nông dân rất chuộng nuôi. Từ mô hình nuôi cá mè hôi của gia đình ông Ngô Bá Tùng đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con vốn theo phương pháp truyền thống, ít đầu tư chăm sóc, không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Đồng thời, mở ra hướng đi mới trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương.

Cá mè hôi là đối tượng nuôi tiềm năng và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với ao có diện tích nhỏ… Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị, nuôi trong ao nuôi đất khi cá phát triển đến khối lượng khoảng 200 g/con, sau đó thả ra bè để nuôi ghép với cá điêu hồng hoặc nuôi đơn để đảm bảo cá phát triển tốt.


Cơ hội cho giống tôm hùm bông Cơ hội cho giống tôm hùm bông Kinh nghiệm thả tôm giống đạt hiệu quả cao Kinh nghiệm thả tôm giống đạt hiệu quả…