Tin thủy sản Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt

Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt

Tác giả T.Huyền, ngày đăng 12/07/2016

Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt

Gần đây trong tỉnh có nhiều hộ nuôi tự phát tuy nhiên không mấy người thành công. Do vậy, việc xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi lươn là cần thiết và dự án AMD Bến Tre đã vào cuộc tài trợ cho mô hình này.

Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 11-2015 đến tháng 6-2016, tại hộ ông Ca Văn Thay, Trần Văn Rảnh (xã An Hiệp) trên diện tích 60m2, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu đồng, trong đó dự án AMD Bến Tre hỗ trợ 45,507 triệu đồng, còn lại vốn đối ứng của các hộ dân. Các hộ tham gia trình diễn mô hình được dự án hỗ trợ con giống, một phần chi phí thức ăn, thuốc và hóa chất xử lý môi trường, vật tư, máy móc.

Các hộ được hướng dẫn xây dựng mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật: Xây dựng bể nuôi với diện tích 30m2/bể, rộng đáy 4m, dài 8m, cao 1m, mặt đáy bể có độ dốc 2 - 3% để dễ thoát nước. Xung quanh thành bể có đặt lớp đất thịt có kích thước cao 0,5m, ngang 1m, bón vôi, sau đó bơm nước vào ngập đất ngâm, cứ 2 ngày thay nước một lần, đến ngày thứ 7 kiểm tra độ pH nước phù hợp sẽ thả lươn giống. Trên mặt đất trong bể trồng cỏ hoặc thả lục bình để che bóng mát.

Chọn giống khỏe mạnh, không bị sây sát, không dị tật. Lươn giống vận chuyển lúc trời mát, khi đem lươn giống về sát trùng cho lươn bằng dung dịch muối 3 - 5% trong thời gian 5 - 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và sát trùng vết thương, sau đó để lươn nghỉ 20 phút mới thả ra.

Mật độ thả 30 - 50 con/m2, kích cỡ trung bình 0,5 - 50g/con. Thức ăn chế phẩm hỗn hợp với thành phần dinh dưỡng 70% cá tạp, 30% thức ăn viên công nghiệp dùng cho cá. Theo dõi và tăng dần lượng thức ăn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của lươn.

Cho ăn một lần/ngày vào lúc chiều tối, thức ăn xay nhuyễn vò thành viên nhỏ đặt vào sàng ăn hoặc cho ăn ở nhiều vị trí khác nhau, tối thiểu 6 điểm/bể và cố định các điểm cho ăn trong một vụ nuôi.

Sau khi rải thức ăn khoảng 2 giờ thì kiểm tra thức ăn thấy lươn ăn hết là tốt nhất. Thay nước hàng ngày, mỗi lần thay 100% lượng nước trong bể, bắt lươn chết hoặc yếu ra khỏi bể nuôi, vệ sinh đáy sạch sẽ, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước.

Thường xuyên bổ sung vitamin C (khoảng 5g/kg thức ăn) và men tiêu hóa (khoảng 1 - 2g/kg thức ăn) vào thức ăn của lươn trong tất cả các giai đoạn để tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh đường ruột. Khử trùng bể nuôi và môi trường nước bằng vôi (1 - 2kg/m2). Trước khi chuyển lươn vào bể nuôi tẩm bằng nước muối 1 - 3%o khoảng 2 - 3 phút để xử lý ngoại ký sinh trùng. Phòng trị bệnh đĩa bám vào phần đầu làm lươn yếu đi, chậm chạp hoặc bỏ ăn, ta dùng lodine liều lượng 2g/m3 nước liên tục trong 3 - 5 ngày, kết hợp với dùng kháng sinh cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.

Giai đoạn từ tháng 11-2015 đến tháng 3-2016 nước được trữ trong ao nên đảm bảo đủ nước ngọt hợp vệ sinh giúp lươn mau lớn, tháng thứ nhất 50 con/kg, tháng thứ hai 40 con/kg. Giai đoạn từ tháng 4 - 6, do thời tiết nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào hồ chứa cộng với nguồn nước bị ô nhiễm do lâu ngày không được thay nước nên lươn bỏ ăn, ăn ít, chậm phát triển.

Sau thời gian xây dựng mô hình, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn, kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Về mặt kỹ thuật, tỷ lệ sống bình quân 67,5%, sản lượng 121,7kg, năng suất 4,05kg/m2. Trọng lượng thu hoạch lớn nhất 3 con/kg, loại nhỏ nhất 9 con/kg. Giá bán khoảng 150 - 170 ngàn đồng/kg. Về hiệu quả kinh tế, thu 41,378 triệu đồng, lợi nhuận 8,256 triệu đồng.

Hộ ông Trần Văn Rảnh (mô hình đối chứng) lúc đầu con giống, khâu chăm sóc tốt, tăng trọng nhanh nhưng đến tháng 3-2016, do nước mặn nên lươn bỏ ăn, chậm phát triển, thu lãi trên 2,2 triệu đồng. Hộ ông Ca Văn Thay (mô hình chính) cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nước nhưng nuôi vẫn có lãi 6 triệu đồng. Về hiệu quả xã hội, với kỹ thuật nuôi không khó, rất phù hợp với điều kiện hộ gia đình có diện tích đất ít, đất có ao nuôi cá, nuôi tôm biển trong vùng ngọt chuyển sang mô hình nuôi lươn phát triển.

Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, bên cạnh thành công bước đầu, mô hình còn một số khó khăn nhất định. Nguồn lươn giống giá còn cao, chưa đồng đều, mật độ nuôi dày, lươn cạnh tranh thức ăn nên chậm lớn, dễ lây bệnh tật lẫn nhau. Là đối tượng nuôi mới nên hộ dân còn nhiều hạn chế về kỹ thuật nuôi. Do ảnh hưởng của mặn, nguồn nước bị ô nhiễm nên ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của lươn. Để đủ lượng giống cần đầu tư mô hình sản xuất lươn giống; sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng trong toàn huyện.


Người nuôi sò huyết đang gặp khó Người nuôi sò huyết đang gặp khó Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải sản Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải…