Mô hình kinh tế Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả

Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả

Ngày đăng 24/11/2015

Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả

Năm 2013, gia đình ông Phan Văn Choong (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương) đã cải tạo khu vườn tạp để trồng ổi Đài Loan.

Ban đầu gia đình ông trồng 600 gốc, sau nâng lên thành 1.700 gốc, với tổng diện tích khoảng 1,5ha.

Hai năm sau, mùa vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình ông thu khoảng hơn 21 tấn ổi, cho thu nhập trên 450 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Choong, ông Ân Văn Kim (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương) cũng thu hoạch vụ ổi năm 2014 - 2015 tới khoảng 20 tấn quả, cho thu nhập trên 400 triệu đồng.

Và nhiều hộ dân trong thôn cũng đã khá thành công khi mạnh dạn cải tạo vườn tạp, vườn đồi để trồng cây ăn quả.

Từ đó, người dân trong thôn, xã đã tin tưởng, mạnh dạn đưa các cây ăn quả đặc sản khác vào trồng...

Giống cây ổi Đài Loan đã góp phần giúp người dân xã Sơn Dương (Hoành Bồ) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi Sơn Dương được quy hoạch là vùng trồng cây ăn quả của huyện Hoành Bồ.

Xã đã mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây như: Ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ, cam Đường Canh, bưởi da xanh...

Vùng quy hoạch được lựa chọn trồng là các thôn: Đồng Ho, Đồng Giữa, Đồng Đặng, Trại Me.

Ông Lý Xuân Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Dương, cho biết: Đây là các thôn có đất đai màu mỡ, tuy nhiên do hệ thống thuỷ lợi thiếu, chỉ canh tác 1 vụ lúa và 1 vụ màu trong năm.

Thu nhập của bà con thấp, chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Cây ăn quả phù hợp với chất đất màu mỡ của địa phương, nhu cầu tưới tiêu ít nên khắc phục được nhược điểm về hệ thống thuỷ lợi vốn chưa được đầu tư đầy đủ trên địa bàn.

Chính vì thế mà chủ trương của huyện rất được nông dân đồng tình.

Nhờ chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, cây trồng thử nghiệm ban đầu cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, được thị trường đánh giá cao.

Như với cây ổi Đài Loan, giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, tính ra cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/sào/vụ; thanh long ruột đỏ là 15 - 20 triệu đồng/sào/vụ (lại có thể thu hoạch làm nhiều vụ) nên hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng màu, lúa.

Mô hình trồng cây ăn quả nhanh chóng được nhân rộng.

Theo thống kê, hiện tổng diện tích trồng cây ăn quả của xã đã đạt khoảng 9ha, với trên 4ha ổi, 3ha thanh long ruột đỏ và 2ha cam Đường Canh, bưởi da xanh...

Đặc biệt số hộ trồng thanh long ruột đỏ và ổi Đài Loan tăng nhanh, từ vài hộ ban đầu nay đã tăng lên khoảng 18 hộ, hộ trồng ít là 1 - 2 sào, nhiều thì trên 1ha.

Thu nhập của người trồng cây ăn quả ở Sơn Dương đạt trung bình từ 20 - 40 triệu đồng, có hộ đạt gần nửa tỷ đồng.

Điều đáng mừng là việc tiêu thụ sản phẩm ở đây cũng được thực hiện khá quy củ.

Cuối năm 2013, Tổ HTX tiêu thụ nông sản Sơn Dương được thành lập trên cơ sở các thành viên là các hộ trồng cây ăn quả.

Tổ HTX có nhiệm vụ đánh giá chất lượng và tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hạn chế những biến động của thị trường.

Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm dựa trên sự đánh giá của thành viên có kinh nghiệm, có sự giám sát của UBND xã và cơ quan chuyên môn của huyện.

Trên cơ sở chất lượng và sản lượng các tổ viên đăng ký tiêu thụ, Tổ HTX tiến hành khảo sát, xây dựng giá sàn 3 tháng 1 lần.

Đây là giá được các hộ, Tổ HTX áp dụng bán sản phẩm cho tiểu thương, các doanh nghiệp.

Đồng thời Tổ HTX cũng vận động các hộ trồng cây ăn quả tham gia và thực hiện theo giá sàn nhằm ổn định giá cả, đảm bảo uy tín chất lượng và thu nhập của người nông dân.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trên thực tế Tổ HTX chỉ là hội nghề nghiệp, hoạt động trên cơ sở sự thống nhất, bằng uy tín, quy ước giữa các thành viên nên cần phải có những quy định, chế tài chặt chẽ hơn.

Về lâu dài người dân mong có một tổ chức có tư cách pháp nhân giúp người dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của huyện, xã cũng cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong việc hỗ trợ bà con chăm sóc diệt trừ sâu bệnh...


Mùa ngọt quýt đường Mùa ngọt quýt đường Nông dân Mường Khương hối hả thu hoạch quýt Nông dân Mường Khương hối hả thu hoạch…