Mô hình kinh tế Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nấm Hộ Gia Đình Tại Huyện Điện Biên

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nấm Hộ Gia Đình Tại Huyện Điện Biên

Ngày đăng 28/11/2014

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nấm Hộ Gia Đình Tại Huyện Điện Biên

Sau 2 năm thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật trồng nấm ăn, nấm thương phẩm cho bà con một số xã trong huyện Điện Biên, giúp bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà, đến nay mô hình trồng nấm hộ gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm (thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên) đã phát huy hiệu quả.

Huyện Điện Biên hiện có khoảng 500 hộ dân phát triển mô hình trồng nấm tại nhà theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm, chủ yếu tập trung nhiều ở các xã: Thanh An, Mường Phăng, Thanh Yên và Thanh Chăn.

Gia đình chị Lò Thị Chiêng, bản Ten Luống 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên là một trong những hộ khó khăn nhất của bản. Đầu năm 2013, được sự hỗ trợ và hướng dẫn trực tiếp của cán bộ Trung tâm Nấm, chị Chiêng vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng để đầu tư trồng nấm tại nhà.

Với 8 tạ rơm được ủ, ước tính vụ này gia đình chị sẽ thu được khoảng 3 tạ nấm rơm. Chị Chiêng cho biết: “Với giá bán 50.000 đồng/kg nấm thương phẩm, như vậy, trừ chi phí tôi sẽ lãi từ 7 – 10 triệu đồng trong thời gian 2 tháng”. Đến nay chị Chiêng không chỉ trả hết nợ ngân hàng, mà kinh tế gia đình còn khá hơn trước.

Đối với gia đình anh Bùi Công Lực, thôn Đông Biên 3, xã Thanh An thì nghề trồng nấm hiện tại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Với nguyên liệu sẵn có là rơm lấy từ ruộng của gia đình sau vụ thu hoạch lúa, anh Lực thuê 2 nhân công trồng nấm, mỗi mẻ làm từ 400 – 500 bịch nấm sò và ủ 2 ruộng nấm rơm.

Nấm cho thu hoạch liền 5 tháng, mỗi tháng từ 2 - 3 mẻ, mỗi mẻ thu lãi 10 triệu đồng. Như vậy, sau vụ trồng nấm anh Lực thu về cả trăm triệu đồng. Anh Lực cho biết: “Làm nấm tận dụng thời gian nông nhàn, giải quyết việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, ngoài việc bán đổ tại các chợ trong huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ, tôi còn cung cấp cho thương lái ở các huyện khác trong tỉnh và cả tỉnh bạn như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu... tới mua”.

Xã Thanh An hiện có hơn 100 hộ dân trồng nấm tại nhà ở các thôn: Đông Biên 3, Hồng Khoong và bản Huổi Cánh... Trong đó, tại bản Huổi Cánh, các hộ trồng nấm đã thành lập tổ, nhóm để cùng sản xuất nấm tập trung, đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn. Chị Lò Thị Thương, tổ trưởng tổ trồng nấm của bản cho biết: “5 - 7 hộ trong bản chúng tôi tận dụng gầm sàn gia đình và sân vườn trồng các loại: Nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ...

Do tận dụng thời gian vừa thu hoạch mùa màng, các hộ tập trung nhau làm nấm, mỗi người một khâu nên hiệu quả cao hơn trồng nhỏ lẻ từng hộ. 2 năm nay, từ việc trồng nấm, nhiều hộ dân trong bản đã thoát nghèo, yên tâm phát triển kinh tế”.

Theo thống kê, trong 2 năm (2013 - 2014) xã Thanh An có 15 hộ thoát nghèo nhờ trồng nấm. Bà Lò Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Nhận thấy lợi ích từ nghề trồng nấm tại nhà đối với bà con trong xã, chính quyền xã đang hướng bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà theo sự hướng dẫn của Trung tâm Nấm để giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Về lâu dài, xã hướng bà con trồng nấm với quy mô lớn, phong phú hơn để cung cấp ra thị trường.

Dời Thanh An, chúng tôi đến Thanh Chăn thăm mô hình trồng nấm của gia đình ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã. Hiện ông Hân đang có mô hình trồng nấm tại nhà phát triển quy mô nhất xã, với 3 loại nấm chính là: Nấm sò, nấm rơm và linh chi. Ông Hân thuê 4 nhân công làm việc, mỗi mẻ đóng từ 1.300 – 1.400 bịch nấm; trồng, chăm sóc và thu hoạch liên tục trong vòng 5 tháng (tháng 7 - 12).

Mỗi tháng trừ chi phí, gia đình ông Hân thu về 15 – 20 triệu đồng. Hiện tại xã Thanh Chăn chưa có nhiều hộ trồng nấm theo mô hình mà Trung tâm Nấm giới thiệu, tuy nhiên với lợi ích từ trồng nấm mang lại, ông Hân đã đưa vào giới thiệu cho bà con trong xã qua các buổi họp để khuyến khích người dân phát triển mô hình.

Được biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm Nấm đã tổ chức hơn 50 buổi tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con trong huyện Điện Biên, với những nội dung về: Kỹ thuật trồng nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm...; xây dựng nhà trồng nấm; kỹ thuật sản xuất cá thể; cách chăm sóc và thu hoạch nấm; vệ sinh khử trùng sau khi thu hoạch…

Qua những buổi tập huấn đã giúp nhiều bà con mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất nấm tại nhà. Trồng nấm không mất nhiều thời gian, kinh phí đầu tư nhưng lại cho kết quả cao, là tiền đề để bà con nông dân làm đại trà, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-m%C3%B4-h%C3%ACnh-tr%E1%BB%93ng-n%E1%BA%A5m-h%E1%BB%99-gia-%C4%91%C3%ACnh-t%E1%BA%A1i-huy%E1%BB%87n-%C4%91i%E1%BB%87n-bi%C3%AAn


Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Và Phân Bón Kiểm Tra Các Cơ Sở Kinh Doanh Thuốc… Hướng Nông Dân Thay Đổi Nếp Nghĩ, Cách Làm Hướng Nông Dân Thay Đổi Nếp Nghĩ, Cách…