Tin nông nghiệp Hiệu quả nhân giống lúa thuần ở Vĩnh Long

Hiệu quả nhân giống lúa thuần ở Vĩnh Long

Tác giả Nguyễn Văn Thành, ngày đăng 03/03/2018

Hiệu quả nhân giống lúa thuần ở Vĩnh Long

Năm 2017, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long đã triển khai thực hiện sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng tại các Hợp tác xã, Câu lạc bộ sản xuất lúa giống...

Kiểm định chặt chẽ lúa giống

Công tác giống có tầm quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản để phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy không bằng những năm trước nhưng xuất khẩu gạo vẫn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Công tác nhân giống đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo.

Chính vì thế mà dự án “Củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020” đã được phê duyệt với mục tiêu chung là tạo hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ NN-PTNT, cho năng suất cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mang lại lợi nhuận cao nhất cho người trồng lúa.

Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao cho Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long làm chủ tư thực hiện tại 7 huyện, thị trong tỉnh dự kiến sẽ thực hiện 350 ha cho sản lượng 1.720 tấn giống.

Năm 2017, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long đã triển khai thực hiện sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng tại các Hợp tác xã, Câu lạc bộ sản xuất lúa giống, Tổ sản xuất lúa giống, nông dân giỏi…với diện tích 65 ha ở các huyện Vũng Liêm (18 ha), Tam Bình (13 ha), Trà Ôn (12 ha) và Long Hồ, Mang Thít mỗi huyện 8 ha trong 3 vụ ĐX, HT, TĐ với kinh phí hỗ trợ 30% tổng chi phí sản xuất, tương đương gần 0,59 tỉ đồng (số tiền này được thu hồi 30% sau khi kết thúc mỗi vụ lúa theo Thông tư số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 01/3/2012). Giống được nhân gồm những giống chất lượng cao như OM4900, OM5451, OM7347, OM6976…

Trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật, 3 cuộc hội thảo đầu bờ 205 lượt người tham dự. Đồng thời dự án cũng đã phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ tổ chức lớp “Đào tạo người kiểm định đồng ruộng và người lấy mẫu”, có 20 người được cấp chứng chỉ.

Song song đó dự án cũng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tập huấn cho cơ sở nhân giống nắm vững các quy định về tiêu chuẩn chất lượng lúa giống, xây dựng hồ sơ công bố hợp quy các giống lúa do cơ sở sản xuất.

Qua 1 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả như sau:

- Hiệu quả kinh tế: Bình quân năng suất đạt 7 tấn/ha, giá thành 3.603 đồng/kg, giá bán lúa tươi 7.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 23,8 triệu đồng/ha.

- Hiệu quả xã hội: Tạo sự chủ động về nguồn lúa giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, thích nghi với điều kiện địa phương có giá thành rẻ; Xã hội hóa công tác sản xuất lúa giống; Thông qua chính sách hỗ trợ, giúp người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn trong công tác nhân giống, hình thành mạng lưới nhân giống tại địa phương để nông dân khác có nguồn lúa giống chất lượng nhưng giá thấp; Người nông dân có được nguồn giống chất lượng, năng suất cao, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập trên đơn vị diện tích.

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện dự án, nhiều ý kiến tán đồng về hiệu quả việc củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống nhân giống trong tỉnh. Dự án giúp tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, giúp người trồng lúa có nguồn giống tại chỗ nên giảm được chi phí, người nông dân có điều kiện sử dụng giống đạt tiêu chuẩn giúp đồng lúa thuần chủng hơn nên năng suất tăng đáng kể. Đồng thời trà lúa đồng đều hơn nên giá bán có phần nhỉnh hơn. Hướng tới đề nghị ngành chức năng nên có kế hoạch sớm để sản xuất giống trong vụ đông xuân, vì đây là vụ lúa cho năng suất cao và chất lượng tốt nhất trong năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Bé Bảy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hội Tường - xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn cho biết: Dự án đã làm thay đổi nhận thức của nông dân về hiệu quả sử dụng giống đạt tiêu chuẩn, từ đó tỉ lệ nông dân dùng giống xác nhận ngày càng được nâng lên.

Ông Bảy cũng kiến nghị Trung tâm giống liên hệ sớm để có nguồn giống siêu nguyên chủng đúng với chủng loại mà nông dân cần; Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về máy móc giúp cho nâng cao hơn nữa chất lượng lúa giống...

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thành Một, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long nhấn mạnh: Trong sản xuất lúa, giống là khâu then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chất lượng lúa gạo, là khâu rất quan trọng trong phục vụ đề án tái cơ cấu lại ngành. Hơn 60 cơ sở sản xuất giống trên toàn tỉnh nên tổ chức lại thành các tổ, các câu lạc bộ hoặc hợp tác xã...

"Trung tâm giống phải đồng hành sát cánh cùng nông dân để nâng cao chất lượng giống và trao đổi giống theo quy định của pháp luật; hướng tới tham mưu tốt cho Ban quản lý dự án để thực hiện dự án hiệu quả hơn; đồng thời phải tổ chức tập huấn đầy đủ cho người tham gia dự án để nâng cao năng lực trong sản xuất lúa giống", ông Nguyễn Thành Một.


Trồng hoa, hái… tiền Trồng hoa, hái… tiền Tự tạo cơ hội: Trồng cây kiểng dược liệu Tự tạo cơ hội: Trồng cây kiểng dược…