Hiệu Quả Nhờ Ứng Dụng Khoa Học Vào Sản Xuất
Ông Lương Văn Tám, ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã mày mò nghiên cứu và áp dụng thành công bao trái trên mít. Kết quả là vườn mít của ông 3 năm qua đều xanh tốt, cho trái to, đẹp và được thị trường ưa chuộng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, ông Tám quen với ruộng đồng. Ở địa phương, nhiều người biết đến ông là người cần cù, dám nghĩ, dám làm. Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, ông được gắn với cái tên triệu phú miệt vườn. Hiện tại, tuy đã 63 tuổi nhưng một tay ông quán xuyến hơn 35 công đất bao gồm đất trồng lúa và trồng mít.
Kể đến cơ duyên với nghề trồng mít, ông Tám cho biết: “Tôi tuổi đã cao, không thể nào kham nổi mấy chục công ruộng nên nghĩ làm vườn nhẹ nhàng hơn. Vì thấy trồng mít dễ, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên tôi quyết định cải tạo ruộng, lên liếp để canh tác mít”.
Thế là năm 2011, ông Tám quyết định lên liếp gần 2 công đất ruộng để trồng 250 cây mít giống Thái siêu sớm. Sau hơn một năm, mít cho trái, năng suất từ 100-150 kg/cây. Năm đó, ông trúng giá, bán được 1kg mít hơn 20.000đ. Một cây mít cho ông thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Theo ông Tám, tuy mít dễ trồng nhưng cũng không thể tránh khỏi sâu bệnh, côn trùng đục trái. Vụ đầu tiên, một số ít cây trong vườn bị sâu đục, côn trùng chích làm thối trái mít, gây ảnh hưởng đến năng suất. Ông Tám quyết định làm thử kỹ thuật bao trái mít. “Ban đầu tôi làm, ai cũng cười, thắc mắc. Họ cho rằng mít mà bao trái là chuyện lạ, rồi bàn tới, bàn lui. Nhưng tôi nghĩ, trái nào mà bao chẳng được”.
Thế là, ông Tám dùng túi ni-lông (loại đựng 10kg gạo) bao trái. Mít được bao đã tránh được sâu đục trái (do bướm sinh ra) và ruồi lưng vàng nhưng màu sắc không đẹp mắt. Sau nhiều lần nghiên cứu, trằn trọc thâu đêm không ngủ được, ông Tám đã nghĩ ra vật liệu thay thế. Ông dùng lưới cước Thái, mắc lưới nhỏ nhưng thông thoáng, giúp mít nhận được ánh sáng. Nhờ vậy trái mít sáng đẹp hơn.
Ông Tám kể lại: “Tôi ra vườn quan sát xem thử nghiệm mới ra sao. Nhờ quan sát từng trái mít, tôi mới phát hiện và bắt được nguyên lý cơ bản tập tính của con côn trùng là khi chích trái mít, nó chỉ đáp thẳng vào trái chứ không biết chui lỗ trống. Chính vậy mà những bao lưới sau, tôi không may đáy mà vẫn hiệu quả, tiết kiệm được 500đ/bao cước (trước kia là 4.000đ/cái bao cước)”.
Kết quả của sự cần mẫn, sáng tạo ấy là 2 vụ thu hoạch sau đó, mít của ông đẹp, bán được giá hơn. Đáng kể hơn, 3 năm qua, vườn mít của ông luôn cho trái sạch, chất lượng vì không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Cũng từ việc canh tác nông sản sạch mà ông Tám tận dụng được ao, mương nuôi cá, trồng rau sạch.
Hơn nữa, những trái mít hư, non, mẫu mã xấu không bán được sẽ là nguồn thức ăn cho cá trong ao. Hiện, ông Tám đã tạo được mô hình vườn cây, ao cá khép kín, giúp cuộc sống của lão nông này vươn lên khá giàu. Ước tính, tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Mô hình của ông Tám đã khẳng định được tài năng của người chủ vườn sáng tạo, chịu thương, chịu khó. Những chủ vườn xung quanh tìm đến học hỏi kinh nghiệm, ông Tám sẵn lòng giúp đỡ. Ông Đào Văn Chính, ở cùng ấp, chia sẻ: Tôi trồng 400 cây mít cũng bị sâu, bệnh nhiều nên bán không được giá. Nhờ học được cách bao mít của ông Tám nên giờ đây, việc chăm sóc vườn nhẹ hẳn, thu nhập cũng cao hơn vì mít đẹp, sạch bệnh, không thuốc trừ sâu.
Tiếp nối thành công đó, ông Tám đã mở rộng thêm diện tích canh tác lên thêm 6.000m2 đất lúa trồng thêm 1.000 cây mít, đang cho trái chiếng. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến, sáng tạo trong làm nông mà giờ đây, việc trồng 8 công mít đối với lão nông U60 rất nhẹ nhàng, đơn giản. Hiện tại, hơn 1.200 cây mít xanh tốt, đang cho trái hứa hẹn một mùa bội thu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ