Hiệu quả những mô hình nuôi tôm Bến Tre
Nuôi tôm hiệu quả cần con giống tốt, chất lượng nước và nguồn thức ăn… Đây là những yếu tố quan trọng giúp người nuôi tôm ở Bến Tre vận dụng đem lại hiệu quả trong thời gian qua.
Mô hình nuôi tôm tại Bến Tre. Ảnh: Hoàng Trong
Phát huy thế mạnh
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh được gần 1.000 ha, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.
Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng cho vụ nuôi năm 2018, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã khuyến cáo các địa phương một số nội dung dành cho các đối tượng nuôi thủy sản nói chung và tôm biển nói riêng.
Theo đó, đối với nuôi tôm biển hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, nên thả giống nuôi ở những vùng có độ mặn thấp hơn 25‰. Cần chủ động nguồn nước ngọt để điều chỉnh độ mặn phù hợp. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm. Người nuôi tôm biển phải thường xuyên theo dõi thông tin về khí tượng thủy văn, thời tiết, các khuyến cáo, hướng dẫn và thông báo kết quả quan trắc môi trường để có kế hoạch lấy nước vào ao nuôi và ao lắng; theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh trong khu vực để bố trí thời gian thả giống nuôi phù hợp.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Những năm qua, người dân Bến Tre đã đầu tư nuôi thả tôm biển cho thu nhập cao, nhiều địa phương đã hỗ trợ và khuyến khích người dân nuôi thả tôm biển theo hướng công nghệ cao. Nhiều mô hình, hình thức sản xuất đạt hiệu quả khá tốt; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm luân vụ, nuôi tôm biển hai giai đoạn với năng suất rất cao, đạt khoảng 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm, đây là hướng mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, năm 2017, diện tích nuôi thủy sản toàn xã là trên 2.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh trên 171 ha, diện tích nuôi tôm hai giai đoạn là 30 ha. Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn được đánh giá là đạt hiệu quả cao hơn so cách nuôi truyền thống, giúp hạn chế dịch bệnh và hao hụt con giống, con tôm lớn nhanh. Theo đó, người nuôi tôm cải tạo nâng đáy ao, lót bạt, phủ lưới, đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và thêm các ao chứa lắng, ao bùn… giúp cho việc quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Anh Trần Văn Lâm ở ấp 2, xã Phú Long, huyện Bình Đại, Bến Tre là một trong những hộ nuôi tôm hiệu quả. Anh cho biết: “Nuôi tôm cần chú trọng đến nhiều yếu tố, trong đó, con giống, kỹ thuật, thời tiết… ảnh hưởng lớn đến thành công vụ nuôi”. Những năm trước vì không chú trọng đến con giống nên anh Lâm thu hoạch tôm không đồng đều, năng suất thấp. Thời gian gần đây, để vụ nuôi thành công, anh luôn lựa chọn tôm giống chất lượng của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung. Mỗi vụ thu hoạch tôm, anh Lâm lãi đến vài trăm triệu đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Tư ở ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, Bến Tre cũng là hộ nuôi tôm hiệu quả. Trước tình hình chi phí đầu vào tăng, chị Tư luôn lựa chọn những cơ sở cung cấp giống, thức ăn, thuốc, vật tư uy tín để đem lại hiệu quả cao.
Anh Võ Văn Lân ở ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, Bến Tre cho biết anh đã có kinh nghiệm nuôi tôm 20 năm. Anh cho biết: “Ở địa phương, chỉ nó nuôi tôm mới đem lại lợi nhuận cao vì chưa có mô hình nào cho hiệu quả như vậy. Hiện, tôi nuôi tôm trải lưới đáy, với diện tích 2 ha, 7 ao (5 ao nuôi, 2 ao lắng), tùy theo môi trường, thời tiết để thả nuôi. Thường với 1.000 m2, tôi thu 4 tấn. Trung bình mỗi vụ thu lời 200 triệu”.
Chia sẻ bí quyết thành công, anh Võ Văn Lân cho biết: “Người nuôi nên sử dụng tôm giống rõ nguồn gốc, qua kiểm dịch, đây là khâu quan trọng quyết định đến vụ nuôi. Những năm gần đây, tôi lựa chọn tôm giống Nam Miền Trung. Tôm đồng đều, khỏe, tỷ lệ sống cao, thu hoạch tôm đẹp, bóng… Với kinh nghiệm 20 năm, tôi khẳng định tôm giống Nam Miền Trung không thua kém bất cứ doanh nghiệp nào. Trong khi đó, giá tôm ổn định, doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi nhiều. Trong quá trình nuôi, tôi sử dụng chế phẩm EM, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh…”.
>> Năm 2018, Bến Tre tiếp tục rà soát, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao, trọng tâm là phát triển mạnh hình thức nuôi tôm hai giai đoạn, với mục tiêu đạt 500 ha, để đưa tổng sản lượng tôm biển đạt hơn 55.000 tấn, đến năm 2020 là 1.200 ha nuôi tôm hai giai đoạn và tổng sản lượng tôm biển là 62.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ