Tin thủy sản Hiệu quả nuôi cá chạch lấu ghép cá heo đuôi đỏ

Hiệu quả nuôi cá chạch lấu ghép cá heo đuôi đỏ

Tác giả Trần Trọng Trung, ngày đăng 11/05/2021

Hiệu quả nuôi cá chạch lấu ghép cá heo đuôi đỏ

Những năm gần đây, ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có nhiều nông dân cải tạo ruộng làm lúa kém hiệu quả, đào ao nuôi thủy sản mang lại nguồn lợi kinh tế rất đáng kể. Nổi bật là mô hình nuôi cá chạch lấu ghép với cá heo sông đuôi đỏ trong ao của ông Nguyễn Văn Cang ở ấp Long An B, cho thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm.

Ông Cang đang xem đàn cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ nuôi trong ao nhà

Ông Cang cho biết, sau những năm nuôi nhiều loại cá lóc, cá tra, cá thát lát cườm trong ao quá vất vả mà nguồn lợi nhuận không đáng kể, có năm còn bị lỗ nữa, nên vào năm 2016, ông quyết định đầu tư vốn cải tạo ao cạnh nhà, để thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu ghép với cá heo sông đuôi đỏ bằng thức ăn viên công nghiệp. Mặc dù nguồn vốn đầu tư nuôi ban đầu rất cao so với các đối tượng nuôi khác, nhưng việc nuôi cá ghép trong cùng một ao như vậy có rất nhiều lợi thế như: tiết kiệm được lượng thức ăn thừa, lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ… Ông Cang vui vẻ chia sẻ: “Sau khi xem Tivi, đọc báo, nghe đài và tìm tòi học hỏi kỹ thuật trên Internet…, năm 2016, tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn tiến hành cải tạo 800 m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và làm vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần… Tiếp đó, tôi bơm nước vào ao và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… rồi để vài ngày cho nước trong ao có màu xanh của rong – tảo, vì đây là môi trường thích hợp để nuôi thủy sản. Sau đó, tôi thả cá chạch lấu giống vào ao ương nuôi…”.

Lúc đầu, ông Cang đóng các đoạn cây tràm và bạch đàn, tre… trên một khoảng mặt nước hình chữ nhật trong ao. Mua lưới cước về may và câu mắc vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngửa rồi thả cá chạch lấu giống vào ương nuôi. 30 – 50 ngày đầu, ông cho cá ăn bằng trứng nước. Sau 2 tháng ương và chăm sóc, cá chạch lấu giống đã lớn, thì tháo mùng lưới cước ra nuôi đại trà trong ao và sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm; tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá. Cá chạch lấu nuôi được 3 – 4 tháng, ông Cang bắt đầu mua cá heo sông đuôi đỏ của người dân đánh bắt được ngoài tự nhiên thả vào chung một ao nuôi ghép…

Ông Cang bày tỏ: “Cứ đầu tư từ 3 – 4 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg cá chạch lấu thương phẩm. Tôi còn trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất trong thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh. Phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được tôi thực hiện kịp thời theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật và thay nước ao định kỳ. Trong ao, tôi còn đặt hệ thống quạt nước để tạo ôxy cho đàn cá khỏe mạnh…”.

Nhờ cần mẫn chăm sóc, cho ăn đầy đủ và theo dõi, phòng, chống bệnh kịp thời, nên đàn cá của ông Cang tăng trưởng nhanh và đồng đều, ít bị bệnh tỷ lệ hao hụt thấp… Theo đó, mỗi năm gia đình ông Cang có nguồn lợi nhuận từ một, hai trăm triệu đến hơn nửa tỷ đồng. Nổi bật, trong năm 2019, ông Cang thu hoạch được sản lượng gần 3 tấn cá chạch lấu thương phẩm, bán giá 360.000 đồng/kg, thu nhập trên 1 tỷ đồng và 2 tấn cá heo sông đuôi đỏ thương phẩm, bán giá 320.000 đồng/kg, thu nhập trên 640 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông còn lãi hơn 650 triệu đồng.

Phát huy lợi thế của nghề nuôi cá ghép trong ao, ông Cang hiện đang tiếp tục tận dụng 800 m2 mặt nước ao cũ thả nuôi ghép hơn 20.000 con cá chạch lấu và hàng nghìn con cá heo sông đuôi đỏ bằng thức ăn công nghiệp… Đến nay, đàn cá nuôi đang phát triển tốt, trọng lượng trung bình 250 g/con cá chạch lấu; cá heo sông đuôi đỏ đạt từ 50 – 60 con/kg… Hứa hẹn một năm nuôi nữa mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng. Nhiều bà con nông dân đang tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Cang để học hỏi và mở rộng mô hình này để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương.


Thức ăn cải thiện đề kháng của ấu trùng tôm thẻ chân trắng trước EHP Thức ăn cải thiện đề kháng của ấu… Hiệu quả nuôi cá giống nước ngọt tại Phú Thọ Hiệu quả nuôi cá giống nước ngọt tại…