Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao
Nhận thấy rõ những ưu điểm của con tôm thẻ chân trắng trên vùng nước lợ, những năm qua, nông dân Thái Bình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi tôm thẻ. Việc chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi tôm không chỉ giúp bà con nông dân thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất mà còn cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thu hoạch tôm tại Thái Thụy.
Trước đây, giống như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong xã, gia đình anh Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy) thực hiện nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh với 1 vụ/năm, sau đó thu hoạch và thực hiện nuôi xen kẽ với các loại đối tượng thủy sản khác. Việc nuôi tôm quảng canh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, gia đình cũng ít đầu tư, quan tâm đến việc nuôi thả nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, hơn 3 năm trở lại đây, anh Xứ đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng ao nuôi, mua sắm trang thiết bị, máy móc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghệ cao trong nhà bạt với diện tích 1,5ha.
Anh Nguyễn Xuân Sứ cho biết: Nuôi tôm thâm canh công nghệ mới, mật độ thả nuôi cao (từ 100 - 300 con/m2), một năm nuôi từ 3 - 4 vụ, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, ít phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ nuôi. Năng suất trung bình từ 10 - 15 tấn/ha/vụ, cao gấp 10 - 15 lần so với nuôi theo hình thức bán thâm canh; doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Không riêng gia đình anh Nguyễn Xuân Sứ, ở xã Thái Thượng có 18 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt với tổng diện tích hơn 30ha. Thái Thượng trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghệ cao của huyện Thái Thụy. Năm 2018, tổng sản lượng tôm nuôi công nghệ cao trong nhà bạt của toàn xã dự kiến đạt 180 tấn, cho giá trị gần 30 tỷ đồng.
Những năm gần đây, nhờ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, người dân ở các xã Thái Thượng, Thụy Trường, Thụy Hà, Thụy Xuân, Thái Đô… huyện Thái Thụy chuyển từ nuôi tôm thẻ quảng canh sang thâm canh và ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt. Đến nay, toàn huyện có 45/58ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghệ cao nuôi từ 3 - 5 vụ/năm. Với năng suất trung bình đạt từ 6 - 8 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt từ 12 - 14 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 600 - 800 triệu đồng/ha/vụ.
Nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt.
Hiện nay, nghề nuôi tôm thẻ nước lợ đang được nông dân các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 370ha nuôi tôm thẻ, tăng 119ha so với năm 2017. Nông dân chủ yếu nuôi theo 2 hình thức: nuôi tôm thâm canh theo quy trình 2 giai đoạn bán khép kín; nuôi tôm thâm canh công nghệ mới với công nghệ biofloc, vi sinh, tuần hoàn ít thay nước, nuôi tôm qua đông trong nhà kính. Cùng với đầu tư các loại máy móc, thiết bị phụ trợ như máy cho ăn, sục khí, quạt nước, dụng cụ quản lý môi trường... người nuôi tôm còn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ nuôi thành công cao.
9 tháng đầu năm nay, bà con đã nuôi thả gần 500 triệu con giống tôm thẻ, sản lượng thu hoạch đạt 1.340 tấn cho giá trị 102,2 tỷ đồng, tăng 37,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Theo kế hoạch phấn đấu, năm 2018 sản lượng nuôi tôm thẻ đạt 1.700 tấn, giá trị sản xuất đạt 129,7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, vật tư thủy sản; công tác quan trắc môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho các loại thủy sản nói chung, trong đó có tôm thẻ. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức mở 3 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 2 cuộc hội thảo đầu bờ về nuôi tôm nước lợ cho 240 lượt nông dân; xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao để nông dân học hỏi và nhân ra diện rộng góp phần giúp bà con yên tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Để mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ một cách bền vững, Thái Bình đã ban hành đề án phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ nước lợ theo quy hoạch, tỉnh chủ trương giảm dần diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến hiệu quả thấp (0,2 - 0,3 tấn/ha/năm) chuyển sang nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi công nghệ cao năng suất trên 30 tấn/ha/năm; duy trì diện tích nuôi tôm sinh thái, nuôi xen ghép với các đối tượng thủy sản khác có giá trị kinh tế để hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ