Hiệu Quả Thiết Thực Từ Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn
Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Cánh đồng mẫu lớn có diện tích 1.073ha thuộc 4 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) thực hiện từ vụ Đông Xuân 2010-2011 đã bước đầu gặt hái thành công. Với cách làm là toàn bộ diện tích được doanh nghiệp ứng trước giống, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch lúa, doanh nghiệp cho phương tiện đến vận chuyển đến nhà máy, đưa vào sấy đạt tiêu chuẩn không tính chi phí.
Nếu thời điểm thu hoạch lúa giá lúa chưa tốt, doanh nghiệp cho nông dân đưa lúa vào kho tạm trữ trong 1 tháng không tính phí, chỉ thu tiền vận chuyển ban đầu. Qui trình này đã giúp nông dân trong vùng giảm chi phí và đạt lợi nhuận cao từ 30 đến 40 triệu đồng 1 ha, mở ra hướng làm ăn mới trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và gặt lúa ở ĐBSCL
Nông dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi
Mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên ở An Giang với diện tích hơn 1 nghìn ha trong vụ Đông Xuân 2010-2011 đã cho năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha, đặc biệt có hộ đạt tới 9 tấn/ha. Nông dân lãi hơn 150% so với phương thức canh tác trên cánh đồng nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Cái hay của cánh đồng mẫu lớn là lợi ích nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời và cùng nhau chăm lo, nên hiệu quả mang lại rất cao. Đây được xem là hướng mở mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Từ thành công này, tháng 3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng.
Tiến sĩ Dư cũng cho hay mô hình cánh đồng mẫu lớn được 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thực hiện thí điểm trong vụ Hè Thu vừa qua cho kết quả rất khả quan.
Chẳng hạn cánh đồng mẫu lớn tại huyện Vĩnh Hưng (Long An) rộng 150ha có 76 hộ tham gia, năng suất vụ rồi đạt 6,5-7 tấn/ha, giá bán cao hơn 150-200 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 4-5 triệu đồng/ha. Hay tại Đồng Tháp, nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn thu hoạch đạt năng suất 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 16-18 triệu đồng/ha; lợi nhuận tăng thêm so với diện tích ngoài mô hình gần 2,5 triệu đồng/ha.
Từ vụ Thu Đông trở đi, các tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này vì người dân đã thấy được lợi ích của việc liên kết để sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Cánh đồng mẫu lớn sẽ được mở rộng diện tích thêm gấp 2-3 lần hiện nay và ở mỗi tỉnh hình thành thêm nhiều cánh đồng như thế.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn để trồng lúa theo tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGap” để phục vụ xuất khẩu, là mô hình nông dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay (theo mẫu) trong quá trình sản xuất lúa…
Các cánh đồng sản xuất theo quy trình: Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ; sử dụng cùng 1 loại giống lúa được xác nhận chất lượng cao, xuống giống đồng loạt với mật độ gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha… Việc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng liên kết “4 nhà”.
Khi nông nghiệp phát triển thêm bước nữa, người nông dân tiến tới thực hiện 3 không, đó là không cấy lúa (mà gieo sạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy)… thì ngày công lao động sẽ giảm đi, nông dân sẽ có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt. Đấy sẽ là một trong những điều kiện góp phần xây dựng nông thôn mới.
Về mặt xã hội, mô hình cánh đồng mẫu lớn là tạo dựng nên cánh đồng lớn nhưng không dẫn đến tích tụ đất đai, không ép người nông dân phải rời khỏi mảnh ruộng nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn. Sẽ có nhiều nông dân trên cánh đồng lớn được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất, được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng.
Điển hình qua 3 năm thực hiện ở Đồng Tháp, từ 2008-2011, tỉnh đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các Hợp tác xã Tân Cường (Tam Nông) với diện tích 430ha, 273 hộ tham gia, Hợp tác xã Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) với diện tích 260ha, 120 hộ tham gia, cánh đồng 959 kinh tế quốc phòng 118ha. Cánh đồng này thực hiện với tiêu chí nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng lúa. Từ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân ứng dụng kỹ thuật tốt hơn, sử dụng chủ yếu giống xác nhận do các công ty hỗ trợ cấp.
Để thực hiện quá trình sản xuất hiện đại, ngoài ứng dụng cánh đồng 1 giống, nông dân còn ứng dụng sạ hàng. So với sạ tay như trước đây, nông dân tiết kiệm khoảng 80kg-100kg giống/ha, đồng thời cũng áp dụng kỹ thuật để bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể. Mặt khác, hàng tuần nông dân cùng các cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng định kỳ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, không lạm dụng phân, thuốc, mật độ cây lúa thưa nên sâu bệnh ít phát triển, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe người dân.
Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông - Đồng Tháp cho biết, từ khi nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, người dân an tâm hơn trong sản xuất, dù vẫn tự đầu tư vốn cho sản xuất, từ vật tư nông nghiệp cho đến mua giống, ngoài vốn nhà, còn vay vốn ngân hàng nhưng vì áp dụng đúng kỹ thuật, cây lúa phát triển cứng cáp, hạt lúa chắc, mẩy hơn, chất lượng cao hơn nên đầu ra khả quan, giúp người dân thấy khả quan và không còn lo sợ bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang triển khai là một trong những lời giải cho câu hỏi làm thế nào để tăng hiệu quả của việc liên kết “4 nhà”, giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo cũng như giá cả đầu ra lúa gạo đảm bảo có lãi. Những cánh đồng lớn sẽ góp phần giải quyết được vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quy hoạch… vốn là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp lâu nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ