Tin thủy sản Hiệu quả tích cực từ chuỗi giá trị tôm

Hiệu quả tích cực từ chuỗi giá trị tôm

Tác giả Diệu Lữ, ngày đăng 08/08/2019

Hiệu quả tích cực từ chuỗi giá trị tôm

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Cà Mau phối hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh. Mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Nâng cao sản lượng tôm để đáp ứng nguyên liệu cho xuất khẩu 

Cụ thể, thúc đẩy được hơn 60 hợp đồng liên kết đầu vào chuỗi giá trị ngành hàng tôm cho 15 HTX và 17 THT, gồm 800 hộ với tổng diện tích 1.500 ha. Đặc biệt, mô hình đã tạo được lòng tin đối với khách hàng quốc tế thông qua việc truy xuất nguồn gốc con tôm.

Hiệu quả từ đầu vào

Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, phát triển mô hình nuôi không theo quy hoạch, thời gian qua, người dân nuôi tôm khi tham gia vào HTX, THT đã từng bước sản xuất có hiệu quả hơn.

Giám đốc HTX Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, Nguyễn Hoàng Ân cho biết: “Từ khi HTX xây dựng đạt chứng nhận ASC và ký kết chuỗi liên kết với các doanh nghiệp đầu vào đã góp phần giảm chi phí cho xã viên, tăng lợi nhuận sau vụ nuôi. Bên cạnh đó, HTX còn ký kết với Công ty XNK Thủy sản Thanh Đoàn thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Nhiều lúc có những công hàng lớn Công ty thu mua cao hơn thị trường 10.000 đồng/kg so với thời điểm đó. Thế nên, bà con xã viên rất phấn khởi với mô hình liên kết chuỗi giá trị này”.

Ông Đoàn Thanh Hiền, Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay Sở đã đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập được một số vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, BAP với các các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản như: Tập đoàn Minh Phú, Công ty CASEC, Minh Cường, Quốc Việt, Thanh Đoàn… đã mang lại điều kiện thuận lợi cho doang nhiệp trong việc xuất khẩu mặt hàng tôm. Riêng HTX, người dân nuôi tôm thu lợi nhuận cao hơn khi tham gia chuỗi liên kết”.

Bên cạnh những thuận lợi trên, mô hình này vẫn còn một số bất cập như: cơ sở hạ tầng để HTX phát triển vẫn khó khăn. Vấn đề dịch bệnh ở khâu sản xuất ảnh hưởng tới tính bền vững của toàn chuỗi giá trị tôm, thiếu sự hợp tác liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi; thiếu sự hợp tác giữa các viện, trường với cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy nghiên cứu nâng cao chất lượng tôm giống để phục vụ cho nhu cầu vùng nuôi…

Tháo gỡ để phát triển

Đại diện WWF, ông Hồ Minh Phong chia sẻ: “Tổ chức đã hỗ trợ, thiết lập các chứng nhận như ASC tại vùng nuôi của Cà Mau, nhưng đến nay sự hưởng lợi của người dân, HTX từ chứng nhận này chưa cao. Do đó, người nuôi tôm, nhất là hộ dân trong HTX cần tiến tới mô hình chia sẻ chi phí, đạt chứng nhận và duy trì sản xuất ASC cho HTX nuôi tôm, nâng sản lượng trung bình 300 - 400 tấn/năm”.  

Với xu hướng sử dụng tôm có nguồn gốc, chứng nhận ASC của các công ty nhập khẩu tôm lớn trên thị trường thế giới như hiện nay, đòi hỏi con tôm Cà Mau ngoài phát triển, xây dựng các chứng nhận, vùng nguyên liệu thì việc xây dựng thương hiệu chứng nhận tôm quốc gia là rất cần thiết.

Ông Lê Đình Huynh, Cán bộ điều phối MAM 2, Tổ chức SNV nhấn mạnh: “Từ việc chúng ta đang phát triển tốt thương hiệu quốc gia về gạo đã và đang tạo nên lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo. Do đó, khi chúng ta đã có đầy đủ các mối liên kết, chiến lược phát triển cụ thể, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị thì cần tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu con tôm thông qua chứng nhận để giúp cho con tôm có được giá trị cao nhất”.

Theo đó, giải pháp về tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết ngang, nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, thành lập cơ quan điều hành chuỗi liên kết như “liên minh”… cũng được ngành nông nghiệp, HTX và người nuôi tôm nghiên cứu triển khai thực hiện; nhất là củng cố lòng tin giữa các bên liên quan trong liên kết chuỗi.

Song song đó, giải pháp nâng cao sản lượng tôm để đáp ứng nguyên liệu cho xuất khẩu cũng được các HTX thực hiện chuỗi liên kết hướng đến. Giám đốc HTX Cái Bát Nguyễn Hoàng Ân cho rằng: “Các cấp, ngành cần hỗ trợ cho HTX thực hiện mô hình liên kết chuỗi áp dụng mô hình mẫu siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để các xã viên, nông dân trong vùng đến tham quan, học hỏi. Bởi mô hình này đã chứng minh được hiệu quả về năng suất, phù hợp với sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay”.

ThS Vũ Đức Hùng, Sở NN&PTNT, cho biết:, nhiều vấn đề đặt ra cho ngành chuyên môn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng như các HTX, hộ nuôi tôm hiện nay là làm sao đa dạng hóa các tiêu chuẩn để cung cấp cho nhiều thị trường; mở rộng diện tích nuôi đạt chứng nhận để xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra cho con tôm; cùng đó, phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức hoạt động tập huấn cho vay theo chuỗi giá trị ngành hàng tôm.


Tôm dọn hồ - một thay thế mới để kiểm soát ký sinh trùng cho trang trại cá Tôm dọn hồ - một thay thế mới… Tại sao lại bỏ hoang đất trong khi có thể sản xuất một vụ khác? Tại sao lại bỏ hoang đất trong khi…