Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Dự Án Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi

Hiệu Quả Từ Dự Án Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi

Ngày đăng 29/07/2013

Hiệu Quả Từ Dự Án Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng, Vật Nuôi

Là huyện miền núi ven biển có gần 70% là người dân tộc thiểu số, 5/6 xã là vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa không chỉ đối với đời sống người dân mà còn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế huyện Thuận Bắc phát triển.

Triển khai từ năm 2007, Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi huyện Thuận Bắc đến năm 2012 đã thực sự mang lại một diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp của địa phương.

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng chăn nuôi và hàng hóa nông sản thuộc lợi thế của huyện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào thực tiễn để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 61 mô hình trong nông nghiệp, gồm: 36 mô hình trồng trọt, 18 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản, 3 mô hình cơ giới và 1 mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi. Trong đó, có 45 mô hình được đánh giá có hiệu quả, 9 mô hình không hiệu quả và 7 mô hình đang triển khai, sẽ đánh giá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Châu Cảnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc cho biết: “Cái được lớn nhất mà những mô hình này mang lại chính là việc từng bước thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu của nông dân, đặc biệt là bà con Raglai. Từ chỗ sản xuất tự phát, không theo mùa vụ với giống cây trồng, vật nuôi đã thoái hóa, năng suất thấp… đến nay, bà con đã biết ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, từ đó tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống.”

Theo thống kê, năng suất lúa bình quân của huyện Thuận Bắc năm 2011 là 53 tạ/ha, tăng gấp hai lần so với con số 26,4 tạ/ha năm 2005; năng suất bắp cũng tăng gần 150%, từ 8,6 tạ/ha năm 2005 tăng lên 21,1 tạ/ha năm 2011. Chất lượng đàn gia súc được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ đàn dê, cừu lai trên 55%. So với mục tiêu ban đầu của Dự án, giá trị sản xuất tại vùng chủ động nước đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha; vùng chưa chủ động nước đạt trên 30 triệu đồng/ha, tăng từ 5 – 10 triệu đồng/ha; vùng không tưới đạt trên 12 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng/ha.

Hiện tại, nông nghiệp huyện Thuận Bắc đang dần định hình với vùng chuyên canh lúa hơn 1.900 ha tại các xã dọc tuyến Quốc lộ 1A gồm các xã Bắc Phong, Bắc Sơn, Lợi Hải, Công Hải; vùng nguyên liệu mía trên 170 ha tại các xã Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng;…

Có được kết quả này phải kể đến những mô hình như: Mô hình nhân giống lúa xác nhận với quy mô 40 ha tại các xã Bắc Phong, Bắc Sơn, Lợi Hải, Công Hải đạt năng suất bình quân 60 tạ/ha, lợi nhuận gần 10 triệu đồng/ha. Mô hình thâm canh lúa nước giống mới với quy mô 10 ha tại xã Bắc Sơn cho lợi nhuận trên 14 triệu đồng/ha. Mô hình thâm canh cây mía triển khai ở các xã Phước Chiến, Phước Kháng, Lợi Hải đạt năng suất bình quân trên 40 tấn/ha, lợi nhuận 18 triệu đồng/ha/vụ…

Ông Lê Hữu Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: Xã Lợi Hải có trên 80% là đồng bào Raglai nên việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con thật sự có ý nghĩa rất lớn với địa phương. Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã được triển khai 15 mô hình, có 12 mô hình được đánh giá có hiệu quả. Cụ thể, năng suất lúa, bắp, mía nằm trong các mô hình tăng cao so với ngoài mô hình. Thấy được hiệu quả từ những cách làm mới này, nhiều bà con đã bắt đầu học làm theo các mô hình, đưa sản xuất vào ổn định.

Mặt khác, đối với nhiều cây trồng, vật nuôi, bà con đã biết tạo mối liên kết 4 nhà trong sản xuất. Riêng vùng núi có đa số đồng bào Raglai sinh sống, bà con đã dần thay thế cây bắp địa phương năng suất thấp bằng cây bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu.

Điển hình như mô hình sản xuất bắp lai NK66 tại 2 xã Công Hải và Lợi Hải cho năng suất bình quân 65 tạ/ha, lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Các mô hình chăn nuôi tập trung cũng góp phần nâng cao nhận thức của nông dân, từng bước chuồng trại hóa chăn nuôi; đặc biệt là chăn nuôi heo rút ngắn thời gian chăm sóc, hạn chế ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ.

Với trên 8.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Bắc đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhằm khai thác tối đa các lợi thế đất đai, nguồn nước, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương; khuyến cáo nông dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả, ứng dụng KHKT vào sản xuất. Địa phương cũng đang triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011- 2015 với những tín hiệu khả quan.


Được Mùa Lúa Vụ Mùa Được Mùa Lúa Vụ Mùa Chương Trình Nuôi Bò Vỗ Béo Ở Thôn Trà Nô Chương Trình Nuôi Bò Vỗ Béo Ở Thôn…