Hiệu quả từ mô hình HTX thủy sản Hồ Quỳnh
Đi đầu trong việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi thủy sản là HTX thủy sản Hồ Quỳnh, thuộc địa bàn xã Chiềng Ơn. Được thành lập năm 2014 với tên là HTX thủy sản Đán Đăm 4, có 8 thành viên tham gia liên kết nuôi trồng thủy sản; năm 2015, đổi tên thành HTX thủy sản Hồ Quỳnh.
Sau một thời gian hoạt động, nhân rộng mô hình, mở rộng thị trường, đến nay, HTX thủy sản Hồ Quỳnh đã thu hút thêm 17 thành viên, nâng tổng số lên 25 thành viên tham gia nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm... đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Bà Lò Thị Phấư, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thủy sản Hồ Quỳnh, cho biết: HTX đã tăng từ 16 lồng cá năm 2014 lên hiện có 78 lồng cá các loại, như: Cá trắm, mè, rô phi, nheo, lăng....
Ngoài ra, còn mở rộng chăn nuôi 30 con trâu, 65 con bò, 310 con dê. Giá bán cá ra thị trường ổn định, cá trắm từ 3kg trở lên có giá từ 100-120 nghìn đồng/kg, loại cá dưới 2 kg có giá từ 70-80 nghìn đồng/kg.
Hộ thu nhập thấp nhất là 3-5 triệu đồng/tháng, hộ nhiều 10-15 triệu đồng/tháng. Điển hình là xã viên Phí Hải Vân, với 6 lồng sản xuất cá giống, thu nhập 15 triệu đồng/tháng; xã viên Lò Văn La là hộ có số lồng cá nhiều nhất với 30 lồng nuôi cá thương phẩm, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng...
Trong quá trình hoạt động, HTX thủy sản Hồ Quỳnh đã tích cực vận động những hộ có khả năng và điều kiện nuôi cá lồng tham gia liên kết sản xuất.
Bên cạnh việc vận động các xã viên đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, HTX còn chủ động mời cán bộ chuyên môn về tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nhất là cách phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chủ động tìm các doanh nghiệp, nhà hàng bao tiêu sản phẩm.
Từ đó, nhận thức, kinh nghiệm sản xuất của xã viên đã có nhiều chuyển biến; các hộ dân tham gia vào HTX yên tâm sản xuất. Nhờ vậy, số lượng thành viên tham gia vào HTX ngày càng tăng. Cách làm này đã tạo sức lan tỏa tới nhiều hộ dân vùng sông nước để mở rộng nghề nuôi cá trên sông, từng bước mở rộng theo hướng đi bền vững hiệu quả.
Một số địa phương trong huyện đã áp dụng cách làm của HTX thủy sản Hồ Quỳnh để hình thành phương thức sản xuất. Toàn huyện, năm 2012, chỉ có 3 HTX thủy sản được hình thành, đến nay, đã phát triển lên 7 HTX thủy sản và một số hộ dân tham gia nuôi với 220 lồng cá tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn.
Có thể thấy, hiệu quả từ hoạt động của mô hình HTX thủy sản Hồ Quỳnh rất khả quan, đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, vì hiện tại sản lượng của HTX vẫn chưa đủ cung cấp so với nhu cầu thị trường. Vì vậy, rất cần có thêm vốn đầu tư và nhu cầu tập huấn kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Rất mong các cấp, ngành tạo điều kiện để HTX phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; đầu tư nuôi một số loại vật nuôi chất lượng với quy mô lớn theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho xã viên. Tin rằng, đây sẽ là hướng đi có nhiều triển vọng của huyện Quỳnh Nhai trong việc khai thác tiềm năng phát triển thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ