Hiệu Quả Từ Mô Hình Mở Rộng Thâm Canh Ngô Mật Độ Cao
Nhờ dự án cạnh tranh nông nghiệp mà lần đầu tiên ở Nghệ An đã ứng dụng thành công kỹ thuật thâm canh ngô mật độ cao. Tại 3 xã triển khai mô hình mở rộng đều đạt năng suất gần 9 tấn/ha/vụ, hiệu quả gấp 3 lần so với trồng đại trà…
Cũng như cả nước, cây ngô ở Nghệ An có vị trí đặc biệt quan trọng, là cây lương thực đứng thứ 2 sau cây lúa. Nghệ An cũng là tỉnh sản xuất ngô với diện tích lớn và tăng nhanh cả diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 1995, toàn tỉnh sản xuất được 24,7 ngàn ha; năng suất đạt 13,3 tạ/ha. Đặc biệt, năm 2006 là năm tỉnh Nghệ An sản xuất ngô đạt diện tích 67,1 ngàn ha, bằng 45,27% diện tích vùng Bắc trung bộ, đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay (230,2 ngàn tấn, bằng 45,54% sản lượng vùng Bắc trung bộ).
Mặc dù vậy, năng suất ngô ở Nghệ An vẫn thấp, hiện mới đạt bình quân 34,3 tạ/ha. Qua điều tra khảo sát tại một số địa phương, nguyên nhân chủ yếu do chưa thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, nhất là mật độ trên đơn vị diện tích quá thấp. Như ở xã Thanh Giang (Thanh Chương) mỗi năm trồng 80 ha ngô trên đất bãi màu mỡ, bằng giống ngô lai C919, được bón phân chăm sóc khá chu đáo nhưng mật độ mới đạt từ 5 vạn - 5,5 vạn cây/ha nên năng suất chỉ đạt 2,5 - 2,9 tấn/ha. Hoặc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, những năm qua đã mạnh dạn đưa cây ngô làm cây trồng chính trong cơ cấu mùa vụ, gieo trồng chủ yếu bằng giống C919 và được áp dụng nhiều tiến bộ khoa học mới về kỹ thuật trồng trọt, song mật độ và khoảng cách trồng từ 5,5 vạn – 6 vạn cây/ha dẫn tới năng suất chỉ đạt 2,8 - 3,2 tấn/ha.
Từ kết quả khảo sát và kết quả xây dựng mô hình thâm canh ngô mật độ cao của năm 2011 do dự án cạnh tranh nông nghiệp thực hiện, vụ xuân năm 2013, BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã quyết định triển khai “Mô hình mở rộng thâm canh ngô mật độ cao” nhằm mục tiêu mở rộng sản xuất ngô theo công nghệ mới, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngô cho thị trường trong nước, góp phần cải thiện sinh kế cho người trồng ngô.
Dự án được triển khai tại 3 xã của 3 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trên diện tích 120 ha (mỗi xã 40 ha). Đây là những địa phương có diện tích trồng ngô lớn, bà con nông dân đã được tiếp cận nhiều về kỹ thuật canh tác và giống mới. Cụ thể, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương với 415 hộ tham gia; Đà Sơn, huyện Đô Lương với tổng số hộ tham gia là 398 hộ; Xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn 401 hộ tham gia.
Quá trình triển khai đơn vị tư vấn đã xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các khuyến nông viên cơ sở và nông dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật thâm canh ngô mật độ cao theo từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển. Bằng phương pháp trực quan, cầm tay chỉ việc, dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở và 30 lớp tập huấn cho nông dân theo từng chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây ngô.
Các nội dung tập huấn bao gồm: kỹ thuật làm đất, gieo hạt, chăm sóc, bón phân, dặm tỉa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại ở các thời kỳ sinh trưởng phát triển của ngô; Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản ngô… được người dân nắm khá chắc. Sau khi tập huấn, ban chủ nhiệm dự án đã chỉ đạo, hướng dẫn làm đất, gieo trồng các giống ưu thế lai C919 trong tháng 2/2013. Mức đầu tư cho 1 ha: 26kg giống; 450 kg URE, 500kg lân, 200 kg lân, 2.500kg hữu cơ sinh học, 500 kg vôi bột. Trong đó dự án chỉ hỗ trợ 1 ha: 6 kg giống ngô, 1.200 kg phân hữu cơ sinh học, 170 kg URE, 130 kg lân Lâm Thao, 64 kg ka li. Việc bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được chỉ đạo thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Qua theo dõi mô hình cho thấy, khả năng sinh trưởng, phát triển của giống tốt, toàn bộ mô hình không bị sâu, bệnh hại lớn. Thời kỳ cây con chỉ bị sâu xám nhẹ. Trước thời kỳ cây tung phấn, phun râu đã tiến hành trừ bệnh khô vằn và tỉa lá già thường xuyên nên trên toàn bộ mô hình, diện tích bị bệnh là không đáng kể.
Mật độ của mô hình được đảm bảo (7,0 - 7,2 vạn cây/ha, tương đương 3.500 - 3.600 cây/sào), không còn tình trạng lãng phí đất. Kiểm ngẫu nhiên tại các ruộng cho thấy khoảng 30% số cây ra bắp thứ 2 nhưng đã được cán bộ kỹ thuật chỉ đạo bẻ bắp, chỉ để lại 1 bắp/cây nhằm tập trung dinh dưỡng nên bắp đẫy hạt, không có hiện tượng đuôi chuột.
Trong thời gian triển khai dự án, thời tiết diễn biến thất thường, mưa, gió lốc cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô. Đặc biệt từ lúc gieo đến lúc ngô được 5 - 6 lá không có mưa, nắng hạn, cây ngô bị thiếu nước. Từ trung tuần tháng 4 thường có gió lớn, mưa đã làm đổ một phần diện tích của mô hình. Xã Đà Sơn bị ảnh hưởng nặng nhất, ước tính khoảng 40% diện tích bị đổ rạp. Tuy nhiên Ban chủ nhiệm dự án cùng cán bộ địa phương đã chỉ đạo kịp thời các hộ nâng cây và vun gốc. Thời kỳ đổ, cây đã bắt đầu giai đoạn chín sữa nên ảnh hưởng không lớn tới kết quả của mô hình.
Từ đầu tháng 6/2013, cả 3 địa phương triển khai mô hình đều tiến hành thu hoạch, tính ra giống này có thời gian sinh trưởng từ 110 – 120 ngày ở vụ xuân, thời gian sinh trưởng của các mô hình chỉ chênh lệch nhau từ 3 – 5 ngày, song không ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của ngô. Cụ thể, Thanh Giang đạt năng suất 8,8 tấn/ha, Đà Sơn đạt năng suất 8,7 tấn/ha và Tường Sơn đạt năng suất 8,9 tấn/ha. Qua tính toán, mỗi ha ngô thực hiện theo mô hình thâm canh mật độ cao người dân có doanh thu bình quân 61,6 triệu/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi 40,76 triệu/ha, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với trồng đại trà. So với ruộng đối chứng, năng suất tăng 4,8 tấn/ha, lãi thuần tăng 27 triệu đồng/ha.
Những người dân tham gia mô hình vô cùng phấn khởi, vui mừng cho biết: Các vụ sau sẽ tiếp tục đưa kỹ thuật trồng ngô mật độ cao vào sản xuất đại trà trên diện rộng hơn nữa. Các cấp, chính quyền, BQL dự án cũng đánh giá cao năng suất của cây ngô khi áp dụng kỹ thuật này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ