Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba

Ngày đăng 28/04/2014

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Ba Ba

Mô hình nuôi ba ba của ông Hồ Văn Đại ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đạt được năng suất cao nhiều năm liền, nhiều bà con nơi đây đang học hỏi kinh nghiệm của Ông để nuôi loài thủy sản này.

Cách đây 3 năm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Đại biết đến mô hình nuôi ba ba. Với sự say mê và được Trung tâm Khyến ngư tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú hỗ trợ, ông Đại đã đào 7 ao với diện tích 10.000 m2 trên miếng vườn kém hiệu quả của mình để thả nuôi 20.000 con ba ba (trong đó 2.000 con do Nhà nước hỗ trợ). Về thức ăn, ông chủ yếu tận dụng nguồn cá tạp, ốc bươu vàng sẵn có ở địa phương, nếu nguồn thức ăn này khan hiếm thì ông cho ba ba ăn thức ăn công nghiệp.

Sau 3 năm chăm sóc, ông vừa xuất bán hơn 4 tấn ba ba thịt, với giá 330.000 đồng/kg, tính ra lời khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay, ông còn nuôi khoảng 8.000 con ba ba giống bố mẹ và hơn 15.000 con ba ba thịt, nếu giá này duy trì tới khi thu hoạch, ông sẽ thu được hàng tỷ đồng. Ông Đại cho biết: Tôi thấy nuôi ba ba không khó, lỗ thì không lỗ, vì ba ba ăn không nhiều. Trong quá trình nuôi nếu hao hụt khoảng 60% thì người nuôi vẫn có lời.

Hiện nay ông Đại còn tự sản xuất và cung cấp con giống cho người dân trong xã và các địa phương lân cận. Mỗi ngày ông thu được khoảng 400 trứng và mỗi con giống 1 tuần tuổi bán được 3.000 đồng. Ông Đại cho biết: ba ba đẻ trứng theo mùa từ tháng 2 đến tháng 9, người nuôi cần làm bãi đẻ cho ba ba với yêu cầu là không bị ngập nước, bãi cần lót 1 lớp cát dày 30 cm, có mái che để trứng không bị úng.

Từ mặt nước lên bãi có độ dốc lài để ba ba di chuyển được dễ dàng. Ông Đại cho biết thêm: Con giống bây giờ đang khan hiếm, lúc con giống rẻ là từ tháng 8 đến tháng 10, lúc đó con giống được khoảng 1 tuần tuổi có giá khoảng 1.600 đồng, con lớn thì bán theo kích thước, con 3 cm thì bán 4.000 đồng, 4cm bán 5.000 -5.500 đồng. Hôm rồi tôi bán ba ba giống cũng được khoảng 40 đến 50 triệu đồng.

Thấy ông Đại làm ăn hiệu quả, nên bà con xung quanh cũng làm theo. Người có vốn ít thì nuôi với diện tích nhỏ, còn người khá giả thì nuôi với quy mô lớn hơn. Hiện nay, ông Đại không chỉ cung cấp giống cho các hộ nuôi, mà còn hỗ trợ bà con về kỹ thuật.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hương cho biết: Năm 2011 được sự quan tâm của Trung tâm Khyến ngư tỉnh và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú hỗ trợ mô hình nuôi ba ba của chú Đại bao gồm con giống và thức ăn, tổng kinh phí là 28 triệu đồng.

Năm đầu thực hiện mang lại hiệu quả khá cao từ đó gia đình tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng mô hình với quy mô lớn. Hiện nay ngoài viêc bán ba ba thịt hộ gia đình còn bán giống ba ba con cho nông dân trong và ngoài xã, lợi nhuận thu về hàng năm trên dưới 500 trệu đồng.

Về phía địa phương chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết để phát động mở động mô hình rộng rãi trên địa bàn toàn xã để giúp bà con tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống để từng bước thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba của ông Hồ Văn Đại, cùng sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau của nông dân sẽ góp phần tăng diện tích nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao của xã Mỹ Hương trong thời gian tới.


Ương Cá Trê Lai Giống Ương Cá Trê Lai Giống Nuôi Tôm Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu Nuôi Tôm Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu