Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng Trên Sông Tam Kỳ
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Nam phối hợp với trung tâm Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Tam Kỳ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng trên sông Tam Kỳ.
Mô hình được thực hiện từ năm 2013 với quy mô ban đầu là 150m3, hai lồng nuôi, có 02 hộ tham gia, tổng kinh phí đầu tư 43 triệu đồng. Sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình đạt kết quả khả quan.
Ông Trần Minh Pho - Chủ hộ tham gia mô hình cho biết, với mật độ thả ban đầu 80con/m3, ông thu sản lượng gần 3 tấn cá, trọng lượng trung bình 0,6 con/kg, gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư (gồm thức ăn, thuốc, hóa chất, công lao động và khấu hao lồng) ông còn lãi hơn 20 triệu đồng.
Nhận thấy nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân tại các phường An Sơn, An Phú, Hòa Hương, Trường Xuân,... đầu tư nuôi cá lồng trên sông Tam Kỳ.
Một số hộ nuôi tôm bấp bênh kém hiệu quả (do dịch bệnh liên tiếp xảy ra) ở Tam Anh, Tam Xuân, huyện Núi Thành - vùng tiếp giáp với Tam Kỳ, thấy nuôi cá lồng thu lãi cao cũng chuyển hướng sang đầu tư nuôi cá lồng. Từ 4 cụm lồng ban đầu, hiện nay trên sông Tam Kỳ đã tăng lên 7 cụm lồng với hơn 150 ô lồng nuôi cá diêu Hồng.
Đi dọc sông Tam Kỳ, đoạn từ đầu cầu Tam Kỳ xuống Tam Phú dễ dàng thấy các cụm lồng nuôi cá diêu hồng kéo dài trên sông, mỗi cụm lồng có 15-20 ô lồng nuôi, trên mỗi cụm lồng đều có nhà bảo vệ để chứa thức ăn, thuốc, hóa chất và người ở bảo vệ cá. Sông Tam Kỳ vốn trong sạch không bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, dòng chảy vừa phải, khuất gió nên khá thuận lợi cho việc nuôi cá lồng.
Trong ba năm trở lại đây, nghề nuôi cá diêu hồng lồng trên sông phát triển mạnh, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân, tuy nhiên, việc người dân gần đây nuôi tự phát phát triển quá nhanh không theo quy hoạch dễ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường nước sông.
Để hoạt động nuôi cá lồng trên sông bền vững, người nuôi cần thực hiện đúng các quy định của ngành chức năng; Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam khuyến cáo, người dân nuôi cá lồng trên sông nên bố trí lồng nuôi với mật độ phù hợp sức chịu tải và khả năng tự làm sạch môi trường nước của sông nhằm hạn chế các tác động gây ô nhiễm môi trường, tuân thủ các kỹ thuật nuôi với từng đối tượng: chọn con giống tốt, mật độ nuôi và chế độ thức ăn phù hợp, phòng bệnh định kỳ cho từng đối tượng nuôi..., bố trí các ô lồng và cụm bè nuôi hợp lý để tăng cường khả năng lưu thông nước, tạo dòng chảy thông thoáng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ