Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Dê Ở Ninh Hòa (Ninh Bình)

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Dê Ở Ninh Hòa (Ninh Bình)

Ngày đăng 27/10/2014

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Dê Ở Ninh Hòa (Ninh Bình)

Xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có diện tích rừng núi và núi đá vôi chiếm khá nhiều (hơn 40% tổng diện tích của địa phương). Đây là điều kiện thuận lợi để đàn dê sinh sản và phát triển. Tận dụng lợi thế này, nhiều hộ gia đình trong xã đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi dê, nhờ đó mà thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, đặc biệt có nhiều hộ đã thoát nghèo.

Trước đây, gia đình ông Đàm Ngọc Thạch, ở thôn Áng Ngũ thuộc diện hộ nghèo. Để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ông Thạch đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thông qua Hội nông dân mua 3 dê giống nuôi thử, thấy có thu nhập cao, vợ chồng ông tích vốn mua thêm dê giống về nuôi. Do thực hiện đúng quy trình chăn nuôi và cách phòng chữa bệnh nên số lượng đàn dê của gia đình cứ thế tăng dần theo từng năm.

Hiện trong chuồng gia đình ông luôn duy trì từ 20 - 30 con. Chỉ tính riêng trong năm 2013 gia đình ông Thạch bán hơn chục con dê, thu về gần 50 triệu đồng.

Ông Thạch cho biết: nuôi dê khá nhàn vì đây là động vật ít bệnh, ăn tạp, sinh sản nhanh. Hình thức nuôi chủ yếu là bán chăn thả, nghĩa là vừa nuôi nhốt kết hợp chăn thả, nhưng cơ bản vẫn là chăn thả để kiếm nguồn thức ăn có trong tự nhiên. Cách thức chăn nuôi này vừa tốn ít thời gian, đàn dê lại nhanh lớn, thịt ăn cũng đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưu chuộng hơn.

Cũng như gia đình ông Thạch, gia đình ông Lê Văn Nhiễu ở thôn Ngô Hạ đã nhanh chóng thoát nghèo nhờ phát triển mô hình này. Ông Nhiễu cho biết: so với nuôi lợn, nuôi gà thì nuôi dê dễ hơn vì không phải đầu tư nhiều về thức ăn, lại cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, trước nay mối quan tâm lớn nhất của người nông dân khi đầu tư chăn nuôi là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm, với việc phát triển đàn dê chúng tôi không phải lo lắng nhiều về vấn đề này nữa.

Số lượng dê ở đây khi trưởng thành đều được các tư thương ở trong và ngoài tỉnh tìm tới đặt mua vì nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này hiện nay đang rất lớn.

Ông Nhiễu nhớ lại: Năm 2010 gia đình tôi được hỗ trợ 1 dê giống và Hội nông dân xã tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhờ đó chúng tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm dê giống về nuôi thả, sau hơn 4 năm đàn dê của gia đình đã sinh sản được trên 50 con.

Hiện nay, xã Ninh Hòa có khoảng 50 hộ nuôi dê, trong đó có gần 30 trang trại nuôi dê cho thu nhập từ 30 đến 100 triệu đồng, với tổng đàn trên 600 con. Đây không chỉ là nơi cung cấp các loại dê thịt mà còn cung cấp dê giống cho các địa phương ở trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Hùng Vương, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Hòa cho biết: Người dân xã Ninh Hòa đó bắt đầu nuôi dê từ cách đây 6, 7 năm, ban đầu các hộ chăn nuôi theo kiểu tự phát, song thấy điều kiện phù hợp, đầu ra lại thuận lợi nên các hộ học nhau làm.

Sau đó, đến năm 2008 tranh thủ sự hỗ trợ của UBND tỉnh, cụ thể là từ việc triển khai Dự án phát triển chăn nuôi dê địa phương nhằm đưa con dê trở thành con nuôi chủ lực ở một số vùng, miền, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện giảm nghèo, hoạt động chăn nuôi này ở Ninh Hòa đã dần quy củ hơn.

Về phía Hội Nông dân, nắm bắt được nhu cầu thị trường và nguyện vọng của hội viên, Hội đó phối hợp tiến hành chọn điểm, chọn hộ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật làm chuồng trại, chăn nuôi, ưu tiên cho những hộ nghèo, hộ chính sách và những hộ làm chăn nuôi trang trại, tạo điều kiện cho các hộ nuôi dê vay vốn ở vùng lợi thế (vùng đồi núi), hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.

Đặc biệt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy chưa nhiều nhưng được sử dụng khá hiệu quả. Sau khi cho vay vốn, ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, Hội nông dân xã cũng tập trung tuyên truyền cho bà con nông dân về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín trong chăn nuôi để góp phần xây dựng thương hiệu dê Ninh Hòa.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê ở Ninh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện được cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo.

Để tăng số lượng đàn dê, thời gian tới các ngành, đoàn thể ở địa phương tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi dê và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho các hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi.


Đã Xuất Khẩu Hơn 5 Triệu Tấn Gạo Đã Xuất Khẩu Hơn 5 Triệu Tấn Gạo Tín Hiệu Khả Quan Từ Dự Án Nuôi Bò Úc Tín Hiệu Khả Quan Từ Dự Án Nuôi…