Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ở Hải Lăng tại Quảng Trị
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi tôm ở các xã vùng biển, trong 2 năm trở lại đây với sự hỗ trợ của nhà nước, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới nuôi 2 giai đoạn đã được người dân triển khai và bước đầu đạt hiệu quả cao hơn so với mô hình nuôi tôm truyền thống.
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại xã Hải An, huyện Hải Lăng đạt hiệu quả cao hơn so với cách nuôi truyền thống
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm cho biết, những năm gần đây, việc nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Cùng với đó, nhiều hộ nuôi tôm chưa vệ sinh, xử lí ao nuôi đúng yêu cầu kĩ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh còn xảy ra, chưa thể kiểm soát được. Nhằm hạn chế rủi ro đối với người nuôi tôm, Phòng Nông nghiệp và PTNT thường xuyên khuyến cáo người dân vệ sinh ao nuôi và chọn con giống đảm bảo, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật (KHKT) vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của nhà nước, huyện đã chọn 2 nhóm hộ để hỗ trợ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới nuôi 2 giai đoạn ở xã Hải Khê và Hải An…
Theo lời giới thiệu của ông Đào Văn Trẫm, chúng tôi đã về thăm mô hình nuôi tôm ứng dựng công nghệ mới của hộ anh Đặng Minh Đức ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An trong dịp thu hoạch tôm. Trước đây, gia đình anh nuôi tôm theo lối truyền thống cũng cho thu nhập khá nhưng không ổn định. Đầu năm 2019, được nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, gia đình anh đầu tư thêm hơn 600 triệu đồng để cải tạo ao hồ, lắp đặt hệ thống ương giống theo mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Với quy trình ứng dụng công nghệ mới này, tôm được nuôi thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong ao ươm khoảng 1 tháng nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ nên tỉ lệ tôm sống cao, ít dịch bệnh, tôm phát triển khỏe mạnh. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn, trung bình thời gian nuôi khoảng 2 đến 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Với diện tích 3.000 m2 , ao nuôi tôm của gia đình anh Đức sau hơn 3 tháng nuôi ở 2 giai đoạn đã cho thu hoạch với năng suất đạt từ 8 - 9 tấn, cao hơn khoảng 35% so với cách nuôi truyền thống trước đây.
Anh Đức cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi tôm theo kiểu truyền thống, bây giờ được nhà nước hỗ trợ nuôi tôm 2 giai đoạn nên năng suất đạt cao hơn nuôi thường rất nhiều. Nuôi ươm 1 tháng cộng với ra đây gần 2 tháng thì trọng lượng theo đầu con đạt khoảng 60 con/kg, chắc chắn là lợi nhuận hơn nhiều so với các vụ trước bởi vì thời gian nuôi ngắn hơn, dịch bệnh cũng được kiểm soát chặt nên chi phí thức ăn, tiền điện và các chi phí khác giảm xuống”. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới, huyện Hải Lăng đã sớm tiếp cận và thực hiện 1 mô hình tại xã Hải Khê vào năm 2018 và 1 mô hình tại xã Hải An năm 2019. Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn thực hiện tại xã Hải Khê cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, và bền vững hơn, được người nuôi đánh giá cao.
Qua thực tế có thể khẳng định 2 mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn so với nuôi thông thường. Từ kết quả khả quan đó, hiện nay huyện Hải Lăng đang tiếp tục vận động các hộ nuôi tôm đầu tư công nghệ chuyển dần sang nuôi tôm 2 giai đoạn. Tuy nhiên, để đầu tư mô hình này thì cần nguồn vốn ban đầu khá lớn nên các hộ nuôi tôm mong muốn nhà nước tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn và kĩ thuật để người dân mạnh dạn đầu tư và yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ