Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Trâu, Bò Vỗ Béo
Thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh (Lộc Bình - Lạng Sơn) có 76 hộ đồng bào dân tộc Tày. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, canh tác trên đất dốc, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Do đó, những năm gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang thực hiện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Anh Hoàng Văn Tuấn - Trưởng thôn Bản Tẳng cho biết: “Nghề chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã được bà con trong thôn thực hiện khoảng năm năm nay. Mới đầu chỉ có vài hộ nuôi, thấy hiệu quả kinh tế nên hình thức chăn nuôi này mỗi năm được nhân rộng. Đến nay hầu hết các hộ trong thôn đều nuôi theo hình thức này. Tuy nhiên, do kinh tế bà con còn hạn hẹp, chưa có điều kiện đầu tư phát triển, số lượng còn rất ít, mỗi hộ chỉ nuôi được 1 con, nhiều hơn cũng chỉ đến 2 con”.
Gia đình anh Hoàng Văn Len là một hộ nuôi trâu, bò vỗ béo điển hình ở thôn Bản Tẳng. Trao đổi với chúng tôi, anh Len cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi trâu, bò theo hình thức thả núi nên phải 4 - 5 năm mới xuất bán. Từ ngày áp dụng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Cách đây một tháng, tôi xuất bán một con trâu với giá 29 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 12 triệu đồng chỉ sau 3 tháng nuôi. Hiện nay gia đình tôi đang vỗ béo tiếp 2 con bò để sang tháng sau bán”. Việc áp dụng và phát triển nghề vỗ béo trâu, bò không khó. Nghề này vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi vừa tăng thêm thu nhập. Ngoài việc tận dụng nguồn rơm, cỏ sẵn có tại địa phương, người nuôi chỉ cần kết hợp cho trâu, bò ăn thêm một số loại thức ăn hỗn hợp là có thể thực hiện thành công mô hình.
Thấy việc nuôi trâu, bò vỗ béo hiệu quả, anh Hoàng Văn Hồi (hàng xóm của anh Len) cũng học hỏi kinh nghiệm và mua 2 con trâu về nuôi. Sau mấy tháng chăm sóc, anh bán 1 con được 25 triệu đồng, trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Anh Hồi nói: “Trước đây gia đình tôi cũng là hộ khó khăn, nhưng từ khi nuôi trâu vỗ béo, cuộc sống gia đình tôi đã thoát nghèo và trở nên khấm khá hơn”. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo không chỉ cần có vốn mà cần phải có thêm nhân lực lao động, bởi nuôi theo hình thức vỗ béo thì phải trồng cỏ, không thể thả rông gia súc trong rừng.
Hơn nữa, người nuôi cũng cần có kinh nghiệm trong việc đi chọn mua những con về vỗ béo và cách phát hiện những con bị ốm để tránh mua phải trâu, bò đã mắc dịch bệnh. Chu kì vỗ béo một con trâu, bò khoảng 4 - 5 tháng và phải chọn mua những con khoảng trên 10 triệu đồng, vì như thế vỗ béo mới nhanh và có lãi. Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh mới chỉ phát triển một cách tự phát nhưng thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, đây là một mô hình cần được khuyến khích và nhân rộng.
Thực tế những năm qua, nghề chăn nuôi trâu, bò vỗ béo không chỉ hình thành ở thôn Bản Tẳng, mà đã phát triển ở hầu hết các thôn vùng cao của xã Bằng Khánh như: Kéo Mật, Pò Pục, Nà Ngần… Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hình thành ở quy mô nhỏ. Đây là một trong những nghề chăn nuôi đã và đang mở ra nhiều triển vọng trong việc xoá đói giảm nghèo cho bà con các thôn vùng cao ở xã Bằng Khánh. Vì vậy, để khuyến khích nghề này phát triển, rất mong các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa, đặc biệt là xem xét hỗ trợ vốn cho đồng bào nhân rộng mô hình này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ