Hiệu Quả Từ Một Mô Hình Khuyến Nông
Theo báo cáo của phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đến tháng 8/2013, tổng số tàu thuyền toàn huyện hiện có 1.260 chiếc. Trong đó chủ yếu là tàu công suất nhỏ, dưới 20 CV có 750 chiếc, tàu từ 45 đến dưới 90Cv có 100 chiếc, tàu trên 90CV có 133 chiếc. Hoạt động của nhóm tàu trên 90 Cv khá ổn định và có bước phát triển theo hướng khai thác khơi xa, bám biển dài ngày.
Thành quả sau những chuyến ra khơi
Tuy nhiên sản lượng khai thác hàng năm tăng không đáng kể, thu nhập còn bấp bênh bởi sự đầu tư về trang thiết bị còn hạn chế, ngư dân chưa đủ điều kiện lắp đặt các loại máy móc hiện đại.
Năm 2012, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Phú Yên đã thực hiện mô hình hỗ trợ máy dò ngang cho tàu đánh bắt xa bờ. Với số lượng 01 máy dò ngang hiệu JMC-CSL-1000 được hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Trí Thành thuộc thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An.
Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2012. Đây là thiết bị cho phép chủ tàu phát hiện luồng cá từ xa, biết được trữ lượng cá nhiều hay ít mà có kế hoạch buông lưới bắt cá đúng vị trí với sản lượng cao nhất. Bản thân ông Thành là chủ tàu có nhiều kinh nghiệm với nghề biển lâu năm, nhiệt tình, ham học hỏi, thích tìm tòi sáng tạo, nên khi tiếp cận với loại máy dò ngang này ông tiếp thu rất nhanh và sử dụng khá hiệu quả.
Qua 3 chuyến biển đầu tiên từ tháng 7-10 năm 2012, sản lượng khai thác từ tàu đánh bắt xa bờ của ông Thành đã đánh bắt 113 tấn cá, tăng gấp gấp 1,88 lần; tổng doanh thu 1.042,5 triệu đồng, cao gấp 2,14 lần so với trước khi lắp máy dò ngang. Doanh thu mỗi chuyến 347,5 triệu đồng, lãi bình quân 132, 5 triệu mỗi chuyến.
Hiện nay ông Thành đang là tổ trưởng của tổ tàu thuyền đánh bắt xa bờ của xã An Mỹ, gồm 5 thành viên là các chủ tàu có công suất 90-160 CV.Trên tinh thần “có phúc cùng hưởng” ông Thành đã chia sẻ niềm vui, trao đổi bàn bạc vận động các thành viên trong tổ cố gắng đầu tư lắp máy dò ngang. Với kết quả tai nghe mắt thấy quá thuyết phục nên các thành viên đã mạnh dạn đầu tư từ nguồn vốn tự có và nguồn vốn vay ngân hàng. Năm 2013 tổ tàu của ông đã lắp đặt thêm 4 máy dò ngang. Giá trị mỗi máy trên 250 triệu đồng.
Kết quả từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2013 mỗi tàu trong tổ của ông Thành đem về tổng doanh thu trên 2,5 - 3 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí mỗi chủ tàu lãi trên 1,5 tỷ đồng. Vui hơn cả là các bạn tàu cũng được chia công lao động cao hơn trước, bình quân 7- 10 triệu đồng/tháng, có tháng thu nhập trên 15 triệu đồng.
Hiệu quả của thiết bị máy dò ngang đã quá rõ. Nguồn tài nguyên biển bao la khi đánh bắt càng ra xa khơi. Nghịch một nỗi công suất tàu còn quá nhỏ, không đủ sức chứa và dự trữ cá, ông Thành trăn trở... Quyết không bỏ lỡ cơ hội, ông bàn với gia đình vay thêm tiền ngân hàng, mạnh dạn đầu tư trên 1 tỷ mua sắm 1 tàu mới với công suất 400 CV. Đây sẽ là con tàu có công suất lớn nhất trong tổng số 1.260 tàu thuyền của huyện Tuy An.
Để chuẩn bị cho kế hoạch đánh bắt năm 2014, cùng với ông Thành, một thành viên khác trong tổ là anh Nguyễn Văn Tư và các thành viên khác trong tổ cũng đang có kế hoạch nâng cấp toàn bộ tàu hậu cần từ 40 CV lên 90 CV, cải hoán và nâng cấp tàu đánh bắt từ 90 CV lên 200 CV. Khí thế làm ăn lớn đang khơi dậy nơi vùng quê ven biển này theo hướng bền chắc đầy tự tin.
Hiệu quả từ mô hình lắp máy dò ngang với những con số trên đây đã nói lên tất cả. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này ra các xã trong huyện, trong tỉnh, ngư dân đang rất thiếu vốn đầu tư mua máy dò ngang và các thiết bị đi kèm như ngư lưới cụ, nhiên liệu, hậu cần biển... để đủ điều kiện đánh bắt khơi xa. Thiết nghĩ Nhà nước, các ngành chức năng cần quan tâm, có những chính sách hỗ trợ cho tàu thuyền đánh bắt khơi xa nhằm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ