Hiệu Quả Từ Những Mô Hình Trồng Cây Chịu Hạn
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để đối phó với hạn hán, ngoài việc chỉ đạo nông dân chuyển sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn, tỉnh Ninh Thuận còn triển khai các biện pháp khai thác hợp lý nguồn nước ngầm để duy trì sản xuất và chăn nuôi. Nhờ đó, không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân mà còn tránh bỏ hoang đất vì khan hiếm nước.
Mặc dù đang là cao điểm của mùa khô, nhưng đến xã Phước Vinh (Ninh Phước) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi vẫn thấy màu xanh bạt ngàn của những ruộng cỏ voi, bắp lai, dưa hấu đang thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch.
Dừng chân hỏi chuyện người dân, chúng tôi được lão nông Ngô Trung Kiên, ở thôn Phước An 1 cho biết: Năm nay do nắng hạn kéo dài nên gia đình đã chuyển 3,5 sào ruộng sang trồng bắp, đồng thời đầu tư gần 5 triệu đồng để tu sửa lại giếng nước, mua máy bơm về tưới cho cây trồng.
Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ giếng đào, nên ruộng bắp của gia đình phát triển rất tốt. Hơn nữa chuyển sang trồng cây bắp giá trị kinh tế còn cao hơn cây lúa, lại còn tiết kiệm được nước tưới, khi thu hoạch thân và lá cây bắp còn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc trong mùa nắng hạn rất hiệu quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, mặc dù là địa phương ở đầu nguồn hồ thủy lợi Lanh Ra, nhưng xã Phước Vinh vẫn còn nhiều cánh đồng chưa chủ động nước tưới, do hệ thống kênh mương đầu tư chưa đồng bộ. Để đối phó với tình hình khô hạn, địa phương đã vận đồng bà con đào giếng khai thác nguồn nước ngầm để duy trì sản xuất và chăn nuôi.
Tính đến thời điểm hiện nay toàn xã có 82 giếng đào. Trong đó, nhiều nhất là tại khu vực xứ đồng đầu làng cây Da, thôn Phước An 1 có hơn 50 giếng. Nhờ các giếng đào này mà hiện nay nông dân ở đây vẫn ổn định sản xuất các loại cây màu với diện tích hàng năm khoảng 600 ha.
Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đảm bảo giải pháp chống hạn và tiết kiệm nước, từ đầu năm đến nay địa phương đã chuyển đổi được 70 ha các loại cây màu trên đất lúa. Hiện địa phương đang tiếp tục khuyến cáo bà con gieo trồng vụ hè – thu 300 ha bắp, 250 ha rau, đậu các loại, đồng thời phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông huyện thực hiện tốt phòng, chống các loại dịch bệnh.
Rời Phước Vinh, chúng tôi đến hai thôn Tuấn Tú, Nam Cương (xã An Hải, Ninh Phước) khi mặt trời đã lên gần đỉnh đầu. Vùng đất cát bạc màu An Hải giờ đang được trải đều màu xanh của các loại hoa màu như: Măng tây, ớt, đậu phụng, cải trắng…
Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã An Hải có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 1.100 ha thì có đến 50% diện tích đất không chủ động nước tưới. Trước tình hình trên, từ năm 2001 trở lại đây, địa phương đã vận động bà con, nhất là 2 thôn Tuấn Tú, Nam Cương chuyển sang trồng các loại cây rau màu theo thời vụ. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Dự án iDE, hiện toàn xã có gần 200 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 85 ha.
Anh Kiều Việt Hùng người tiên phong trong chuyển đổi cây trồng ở thôn Tuấn Tú cho biết: Trước đây, trên 3 sào đất vườn, gia đình đầu tư trồng nhiều loại cây, nhưng do địa hình thôn Tuấn Tú chủ yếu là đất cát, nên các loại cây trồng đều không thuận.
Năm 2009, tôi mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng các loại rau như: Hành lá, cải, ớt..., đồng thời đào giếng lấy nước và lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm theo hai phương thức tưới phun mưa và nhỏ giọt. Nhờ áp dụng mô hình trên, mỗi vụ sản xuất gia đình tiết kiệm được từ 30-35 công tưới nước và 3-4 công bơm thuốc, bón phân.
Năng suất cây trồng cũng tăng từ 20-40%. Theo tính toán của anh Hùng, với 3 sào vườn mỗi năm trồng 2 vụ hành lá và một vụ ớt, gia đình anh thu về gần 80 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi vụ anh lãi từ 12-15 triệu đồng/sào. Đặc biệt, mùa nắng hạn năm nay dù khan hiếm rau nhưng gia đình anh vẫn có sản phẩm để cung ứng cho thị trường nên được giá.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu thực tế về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh ta cho thấy, không chỉ có huyện Ninh Phước mà ở một số địa khác phương như Ninh Sơn, Ninh Hải,... cũng đang có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng chịu hạn hiệu quả.
Cụ thể như ở thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc), địa phương đang phải đối mặt với khô hạn rất nặng, nhưng giữa bốn bề đồng khô nứt nẻ ở vùng suối Đồng Nha vẫn xuất hiện màu xanh mơn mởn của những ruộng rau muống, hành lá đang trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Chủ nhân vườn hành lá nói trên là của ông Phạm Văn Thển (thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải, Ninh Hải).
Ông cho biết, năm 1995 lên đây lập nghiệp, thấy đất thường xuyên bị thiếu nước, ông đầu tư gần 10 triệu đồng để khoan giếng, mua máy bơm tưới nước cho cây trồng. Nhờ nguồn nước ổn định, mỗi năm trên 8 sào đất, ông chủ động trồng 1 vụ tỏi và 2 – 3 vụ hành, thu lãi mỗi vụ vài chục triệu đồng.
Đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: Các mô hình chuyển đổi cây trồng trong mùa khô hạn năm nay của nông dân đang mang lại hiệu quả rất tốt. Vì thế, trong vụ hè-thu này, ngoài việc chỉ đạo bà con gieo sạ khoảng 11.000 ha lúa ở các vùng chủ động nước, tỉnh chỉ đạo các địa phương vận động bà con chuyển sang trồng trên 4.000 ha bắp và khoảng 5.000 ha rau, đậu, cỏ chăn nuôi các loại. Phấn đấu đưa tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh đạt khoảng 20.000 ha theo kế hoạch đề ra.
Trong tình hình nắng hạn còn kéo dài như hiện nay, khả năng sản xuất vụ hè-thu sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc bà con nông dân chủ động triển khai các mô hình chống hạn như đã kể trên là điều rất đáng mừng. Với kinh nghiệm nhiều năm ruộng đồng của mình, tin rằng nông dân tỉnh nhà sẽ có cách khai thác lợi thế, tháo gỡ khó khăn để có vụ hè-thu nhiều thắng lợi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ