Hiệu quả từ nuôi tôm trên cát ở Triệu Phong
Những ngày này, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Triệu Phong đang thu hoạch những lứa tôm cuối cùng. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên tôm nhanh lớn, mặc dù giá bán không được cao như những năm trước nhưng nhờ năng suất cao nên nhiều hộ nuôi vẫn lãi lớn.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng trên cát
Anh Hoàng Đức Văn ở tại thôn 9, xã Triệu Vân, chủ của ao nuôi tôm trên cát rộng khoảng 3.000m2 cho biết, vụ tôm năm nay sản lượng đạt cao, kích cỡ tôm lớn, gần Tết Nguyên đán giá cũng có nhích lên đôi chút, tôm kích cỡ 50 con/kg giá bán 200.000 đồng/kg. Sau 5 tháng nuôi, với khoảng 3.000m2 ao nuôi, anh Văn thu được gần 11 tấn tôm, kích cỡ 40 con/kg. Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi gần 1,4 tỉ đồng. Cách đó không xa, trao đổi với chúng tôi khi đang tất bật hướng dẫn nhân công thu hoạch những mẻ tôm cuối cùng trong ao, ông Hoàng Quang Ninh ở tại thôn 9 không giấu được vui mừng. Năm nay thời tiết tương đối ổn định, không có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài như những năm trước nên tôm phát triển tốt. Nhờ chăm sóc tốt, tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật nên đến thời kì thu hoạch tôm đạt kích cỡ 50 con/kg. Mặc dù giá bán có thấp hơn mọi năm nhưng tính ra ông Ninh vẫn thu lãi lớn. Với 1,2 ha ao nuôi, ông thu được hơn 47 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 4 tỉ đồng. Theo ông Ninh, một trong những yếu tố thành công của vụ nuôi tôm năm nay, bên cạnh thời tiết khá thuận lợi còn do người dân đã có kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh, nắm vững kĩ thuật nuôi từ khâu cải tạo ao nuôi đến chọn giống, chăm sóc… “Hầu hết các hộ nuôi đều lấy giống từ các công ty có uy tín như Việt Úc, CP, Nam Miền Trung mặc dù có giá cao hơn so với mặt bằng chung nhưng lại được kiểm dịch tốt, có chất lượng cao, tỉ lệ sống cao, lớn nhanh, ít bệnh tật. Trong quá trình nuôi tôi luôn bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng chất, thuốc bổ… giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, chống chịu được với biến động các yếu tố môi trường, đặc biệt là đợt rét đậm kết hợp với mưa lớn cuối tháng 12/2018 vừa rồi”, ông Ninh cho hay.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Vân Hồ Sỹ Phùng thông tin, khác với các ao nuôi tôm ở vùng triều có thời vụ nuôi từ tháng 4 - tháng 8 hằng năm, đối với nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thời vụ nuôi chính bắt đầu từ khoảng tháng 7 - 9 hằng năm. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đều trúng lớn. Không chỉ đạt năng suất, sản lượng cao mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên do các hộ nuôi đã áp dụng các biện pháp nuôi an toàn, sử dụng công nghệ vi sinh, hạn chế kháng sinh, hóa chất. Đặc biệt, với những ao nuôi thả giống tôm thẻ chân trắng của Công ty CP khi thu hoạch nếu công ty test mẫu không có dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm, đạt kích cỡ thì sẽ được thu mua với giá cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng so với giá thị trường nên đã góp phần nâng cao ý thức của các hộ nuôi trong việc hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm. Theo ông Phùng, giá tôm năm nay so với mọi năm không cao bằng, trước Tết Nguyên đán tôm kích cỡ 50 con/kg được bán với giá 200.000 đồng/kg, còn hiện nay chỉ đạt từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; nhưng nhờ năng suất và sản lượng lớn nên hầu hết các hộ nuôi đều có lãi. “Dịp Tết Nguyên đán và những ngày đầu năm 2019 là thời điểm tiêu thụ tôm rất lớn do đây là nguồn thực phẩm rất được ưa chuộng. Trong tổng diện tích nuôi tôm vụ 2 toàn xã khoảng 32 ha, theo thống kê chưa đầy đủ từ ngày 28/12 âm lịch đến nay đã thu được trên 200 tấn tôm thương phẩm, mang lại thu nhập hàng chục tỉ đồng cho người nuôi tôm. Ước tính khoảng 85% số hộ nuôi có lãi, nhiều hộ lãi cao trên 1 tỉ đồng”, ông Phùng nói.
Ông Trần Văn Nhuận, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong cho biết, không chỉ ở xã Triệu Vân mà phần lớn các hộ nuôi tôm trên cát ở các xã Triệu Lăng, Triệu An cũng đều có vụ tôm thắng lợi. Theo ông Nhuận, nuôi tôm trên cát có nhiều ưu điểm hơn nuôi tôm ở vùng triều nhờ hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, nguồn nước biển được lọc qua cát nên đảm bảo chất lượng; hộ nuôi đầu tư lớn nên đã có ý thức cao trong việc tuân thủ đúng quy trình nuôi, phòng trừ dịch bệnh và có trách nhiệm bảo vệ môi trường chung. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi đã giúp tôm nhanh lớn, ít bệnh, đạt năng suất, sản lượng cao. Ông Nhuận cũng lưu ý, sau khi thu hoạch tôm xong các hộ nuôi nên phơi ao một thời gian để ổn định môi trường. Quá trình cải tạo ao nuôi cần làm đồng bộ các bước, tẩy rửa sạch các chất hữu cơ, mầm bệnh nếu có ở bạt ao nuôi. Bờ ao cũng cần gia cố kĩ, hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố gây hại từ bên ngoài vào ao nuôi. Lựa chọn tôm giống từ các cơ sở có uy tín, có chứng nhận kiểm dịch. Khuyến khích áp dụng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học; hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất để tôm nuôi sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo ông Nhuận, với những bài học kinh nghiệm quý được rút ra trong vụ nuôi tôm thành công năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần có sự chuẩn bị chu đáo cho các vụ nuôi tiếp theo. Trong đó, cần thực hiện các giải pháp nuôi tôm đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ; khuyến khích nuôi một vụ tôm ăn chắc, nuôi hai vụ chỉ áp dụng đối với các vùng nuôi tôm trên cát và những nơi chủ động nguồn nước. Xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất. “Qua theo dõi thực tế các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai trên địa bàn huyện, chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nên áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Theo đó, tôm giống đảm bảo chất lượng, được kiểm dịch kĩ sẽ được ương nuôi khoảng 1 tháng trong các ao nhỏ có mái che hoặc trong nhà màng để ổn định các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng. Sau đó mới chuyển tôm sang giai đoạn 2 để nuôi thương phẩm trong ao nuôi chính ngoài trời. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc tập huấn hướng dẫn kĩ thuật, tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, kiểm dịch chặt chẽ trước khi thả nuôi”, ông Nhuận chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ