Hiệu quả từ tổ hợp tác trồng rau an toàn
Hiệu quả
Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) phường Uyên Hưng cho biết, Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các hộ chuyên trồng rau ở địa bàn phường có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau.
Hàng tháng, tổ thường nhóm họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ. Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật giới thiệu về những kiến thức khoa học - kỹ thuật hay mô hình trồng rau mới để các thành viên trong tổ nắm bắt và vận dụng vào thực tế.
Ông Nguyễn Văn Thời ở khu 4, phường Uyên Hưng, thành viên Tổ hợp tác rau an toàn ở phường là một điển hình. Ông Thời gắn bó với nghề trồng rau hơn 10 năm, với các loại như hành lá, đậu đũa, đậu bắp… trên diện tích 10.000m2. Nhờ hỗ trợ của Hội ND và Trạm Bảo vệ thực vật về kỹ thuật, phân bón, cây giống để sản xuất rau an toàn nên hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng nâng cao.
Ông Thời cho biết: “Tham gia sinh hoạt trong tổ, chúng tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để việc sản xuất rau diễn ra suôn sẻ. Hơn nữa, chúng tôi còn có thể cùng nhau luân phiên thay đổi giống theo từng gia đình, từng mùa vụ để tránh tình trạng cùng trồng một loại rau dẫn đến khó tiêu thụ và tạo sự đa dạng trong sản xuất rau, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở phường Uyên Hưng cũng đã được Hội ND tỉnh tặng 1 chiếc máy cày, việc quản lý và sử dụng máy cày có hiệu quả đã mang lại thêm nguồn lợi nhuận hàng năm hơn 31 triệu đồng giúp tổ tích lũy làm vốn trong hoạt động. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Hội ND các cấp, các thành viên trong tổ còn được hỗ trợ nhiều về phân bón, giống, vốn…
Nhờ vậy, hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn mang lại là rất lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn, từ khi thành lập tổ đến nay, ND nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với hình thức sản xuất trước đây. Hơn nữa, nguồn rau cung cấp cho thị trường được bảo đảm sạch nên các thành viên trong tổ an tâm hơn trong việc tiêu thụ.
Tìm đầu ra ổn định
Hàng năm, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở phường Uyên Hưng cung cấp khoảng 33 tấn rau các loại cho siêu thị, 324 tấn rau cho các chợ ở TX.Tân Uyên và một phần ở chợ Hàng Bông (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một). Tổng thu nhập bình quân hàng năm của tổ ước đạt 1,4 tỷ đồng.
Ông Hiền chia sẻ, hàng ngày, lượng hàng mà siêu thị Co.opmart đặt trung bình từ 100 - 180kg, trong khi khả năng cung cấp sản phẩm của tổ sản xuất lên đến 1 tấn rau/ngày. Do đó, đa số rau vẫn phải bán cho thương lái tiêu thụ tại các chợ là chính và như vậy, kết quả bị đánh đồng với các loại rau bình thường khác, giá cả cũng thấp hơn nhiều. Đó là điều mà các hội viên trong tổ luôn trăn trở khi đi tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để sản xuất rau an toàn cần có sự đầu tư không nhỏ, từ hệ thống tưới nước, nhà lưới đến áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc theo một quy trình khép kín; việc này đòi hỏi người trồng rau phải có vốn, am hiểu nghề, đồng thời tích cực học hỏi chuyên môn. Trong khi đó, ND đầu tư để sản xuất rau an toàn nhưng khi đưa ra chợ bán thì bị đánh đồng với các loại rau không an toàn. Do đó, thu nhập của người trồng rau an toàn chưa cao.
Chị Phan Thị Hằng, thương lái ở chợ Hàng Bông cho biết, việc thu mua rau tại Tổ hợp tác không hạn chế số lượng, ND bán thì mua rồi đem đi bỏ mối lại. Giá các loại rau cũng tùy thuộc vào giá cả thị trường; bình thường sau khi thu mua, bỏ mối rồi ngày sau quay lại lấy rau thì nông dân mới nhận được tiền bán rau của ngày trước. Người mua cũng không quan tâm đến quy chuẩn hay chất lượng chỉ thấy được giá, đẹp mẫu mã là chọn.
Để tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau an toàn, các địa phương trong tỉnh cho biết đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các tổ hợp tác trong việc tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật và quy trình sản xuất rau màu. Đồng thời, các ngành chức năng cũng hỗ trợ kết nối tìm kiếm thị trường cho các tổ hợp tác sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa rau an toàn đến tay người tiêu dùng thông qua các chợ sỉ, lẻ và hệ thống siêu thị để không bị đánh đồng với các loại rau bình thường khác, từ đó giúp người trồng rau an toàn có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ