Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Trồng Xen Canh Ở Nông Trường Cồn Tiên

Hiệu Quả Từ Trồng Xen Canh Ở Nông Trường Cồn Tiên

Ngày đăng 14/01/2015

Hiệu Quả Từ Trồng Xen Canh Ở Nông Trường Cồn Tiên

Trong khi thu nhập của người lao động giảm do giá mủ thấp, việc khuyến khích và tạo điều kiện để công nhân đẩy mạnh trồng xen canh góp phần tăng thu nhập là cách làm đã và đang triển khai hiệu quả tại Nông trường Cồn Tiên (Quảng Trị).

Nông trường Cồn Tiên là đơn vị đầu tiên của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị tiến hành tái canh trồng mới. Chia sẻ kinh nghiệm trồng mới, xen canh của đơn vị, anh Nguyễn Công Tình, Giám đốc Nông trường Cồn Tiên cho biết: “Năm 2012, năm đầu tiên đơn vị triển khai tái canh trồng mới nhưng gặp một khó khăn lớn đó là người dân trên địa bàn không mặn mà với công việc trồng mới. Sau 3 lần thông báo vẫn không có hồ sơ nào để tuyển dụng nên chúng tôi phải về các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh để tuyển dụng công nhân.
Tuy nhiên, sau vụ trồng mới đó, đợt xen canh vụ ngô đông xuân đầu tiên, mỗi hộ gia đình công nhân tham gia trồng mới có thêm thu nhập 35 triệu đồng/ ha. Thực tế sản xuất đã gợi mở con đường tăng thêm thu nhập khá hiệu quả nên những năm sau lượng người nộp đơn xin vào đơn vị nhận khoán trồng mới ngày một nhiều.”
Lúc bấy giờ, bình quân một hộ gia đình công nhân được nhận khoán chăm sóc 6 ha cao su trồng mới. Ngoài khoản tiền lương chăm sóc trồng mới theo quy định của công ty 5 triệu đồng/tháng thì có thể trồng xen từ 3 đến 4 ha đất giữa hàng song, Nông trường trang trải toàn bộ kinh phí làm đất trong năm đầu tiên nên hộ gia đình nào cũng phấn khởi, chú trọng trồng xen trên đất cao su tái canh. Điều này không chỉ tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động mà việc trồng xen đúng qui định vừa cải tạo đất làm tăng độ phì nhiêu, tạo được sản phẩm tủ gốc giữ ẩm mùa hè, giữ ấm mùa đông nên vườn cây cao su phát triển rất tốt.
Hiện Nông trường Cồn Tiên có 372 ha diện tích cao su tái canh trên vùng đất đỏ được trồng xen các loại cây như môn, từ, tía, dưa hấu... cách gốc cao su 1,5 m; 300 ha trồng xen canh lúa, lạc, ngô, khoai lang, rau, màu… trồng cách gốc cao su 1m. Trên diện tích trồng mới 100 ha vùng đất bạc xã Hải Thái chuyển đổi có khoảng 60 ha đất hàng song song được trồng xen canh trong đó khoảng 20ha đất trồng dưa hấu rất hiệu quả. Điển hình là gia đình công nhân Nguyễn Thanh Nam, trồng xen canh 13 ha dưa giữa lô cao su trồng mới mang lại thu nhập 205 triệu đồng.
Theo đánh giá của những công nhân nhận vườn chăm sóc trồng mới, thực tế sau 3 năm trồng xen trên vùng đất tái canh ba vụ, một số cây trồng đã cho hiệu quả cao như: cây lạc vụ xuân năm 2014 do mưa ít nên năng suất chỉ đạt 15 tạ/ha (nếu thời tiết thuận lợi năng suất có thể đạt 25 - 30 ta/ha). Với giá thị trường 16.000đ/kg, mức thu thấp nhất là 24 triệu đồng/ha trừ chi phí làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc khoảng 10 triệu đồng/ha thì công nhân trồng xen lạc vẫn lãi ròng 14 triệu đồng/ha. Hiện đất này có thể trồng được 2 vụ lạc/năm, ngoài ra công nhân còn trồng xen thêm sắn, ngô, đậu... giữa diện tích đất trồng lạc.
Với một số trồng xen canh khác như: lúa nương mức thu đạt 15 triệu đồng/ha; cây khoai lang là 20 triệu đồng/ha; ngô 14 triệu đồng/ha... Đánh giá sơ bộ, mức thu nhập bình quân trồng xen các loại cây như: lúa, lạc, khoai lang, ngô, rau, màu... trên đất cao su tái canh trồng mới của công nhân Nông trường Cồn Tiên vụ xuân 15 triệu đồng/ha và vụ đông khoảng 10 triệu đồng/ha. Như vậy, tổng thu nhập trồng xen đạt khoảng từ 20 đến 25 triệu đồng/ha/năm, riêng trồng dưa hấu như năm 2014 tính thu nhập tăng gấp 8 đến 10 lần.
Nếu công nhân nhận vườn trồng mới từ năm 2012 - 2013, tổng thu nhập trồng xen cả năm trên diện tích nhận khoán đạt từ 60 - 100 triệu đồng, tương đương bình quân 8 triệu đồng/tháng. Năm 2014, bình quân mức nhận khoán chăm sóc trồng mới giảm còn 6 ha/công nhân thì đất trồng xen là 2,4 ha với tổng thu nhập đạt khoảng 120 - 140 triệu đồng/năm.
Có thể nói, nhờ tích cực chú trọng trồng xen canh trên đất cao su tái canh trồng mới, Nông trường Cồn Tiên đã nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể cuộc sống cho người lao động, giúp họ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, tích cực bảo vệ vườn cây, đưa chất lượng vườn cây tái canh hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu qui định.


Mưa Trái Mùa Gây Thiệt Hại Lúa Vụ 2 Mưa Trái Mùa Gây Thiệt Hại Lúa Vụ… Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà…