Hiệu Quả Từ Việc Nuôi Nhuyễn Thể
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có 8 hợp tác xã (HTX) nghêu, gồm: Thạnh Lợi, Bình Minh, Thạnh Phong, Thanh Bình (Thạnh Phú); Tân Thủy, Bảo Thuận, An Thủy (Ba Tri); Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại).
Diện tích có khả năng nuôi nghêu toàn tỉnh là 15.000ha, trong đó diện tích nuôi hiện nay là 7.164ha. Diện tích hiện có nghêu là 3.043ha, trong đó nghêu giống 482ha, nghêu thịt 2.561ha. Tổng sản lượng đạt khoảng 4.489 tấn, trong đó nghêu thịt 3.848 tấn, nghêu giống 641 tấn, tổng doanh thu khoảng 111 tỷ đồng/năm.
Lao động nghề nghêu rất lớn, hiện có tới 18.889 xã viên (tính theo hộ); xã viên tính theo nhân khẩu là 17.949 người. Tổng số lao động làm việc trong HTX khoảng 10.710 người, có 5.520 lao động thường xuyên. Vốn điều lệ HTX khoảng 11 tỷ đồng.
Nghêu, sò huyết là hai đối tượng nuôi khá hiệu quả, thu hút nhiều lao động nông thôn
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, năm qua, nghêu giống tại các HTX xuất hiện muộn hơn nhiều năm trước đây. Tại HTX thủy sản Bảo Thuận, Thanh Bình, nghêu giống có xuất hiện nhưng không đáng kể, mật độ lại thưa. Ở các HTX thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm, Tân Thủy, An Thủy, Thạnh Phong, diện tích nghêu giống xuất hiện khá lớn, mật độ dày hơn. Riêng nghêu thịt, diện tích tăng hơn do sản lượng nghêu giống tương đối lớn.
Đồng thời, tình hình dịch bệnh cũng chỉ xảy ra rải rác cục bộ ở vài HTX nghêu. Riêng sò huyết hiện có 1.050ha, với tổng sản lượng thu hoạch 10.646 tấn, trong đó diện tích đang nuôi 1.012ha. Ba Tri có 120ha, diện tích nuôi sau cống đập Ba Lai là 90ha, kích cỡ sò huyết hiện khoảng từ 150-400 con/kg, tổng sản lượng thu hoạch 1.100 tấn.
Bình Đại có diện tích nhiều nhất (852ha), diện tích nuôi sau cống đập Ba Lai là 210ha, kích cỡ hiện khoảng 120-150 con/kg, tổng sản lượng 8.946 tấn. Thạnh Phú chỉ có 40ha, chủ yếu tập trung tại các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải, kích cỡ sò huyết khoảng 90-150 con/kg, sản lượng 600 tấn.
Dịch bệnh và các các giải pháp phòng chống
Năm qua, mặc dù điều kiện môi trường nuôi thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi nghêu, sò huyết nhưng hiện tượng nghêu chết vẫn xảy ra cục bộ ở một số HTX, như: Bình Minh, Tân Thủy, Đồng Tâm, Rạng Đông, với tổng thiệt hại khoảng 290ha, tổng giá trị thiệt hại khoảng 3,3 tỷ đồng. Theo đánh giá của đoàn công tác Viện Hải dương học thì nguyên nhân nghêu chết tập trung vào các đối tượng nghêu sinh sản.
Do nhiệt độ cao, thời gian phơi bãi dài, độ mặn cao là điều kiện kích thích tốt để nghêu sinh sản nhưng khi nghêu sinh sản sức khỏe yếu đi trong điều kiện mật độ cao, nghêu không thể vùi xuống đáy và chết. Đối với các khu vực có mật độ nghêu thưa, dưới 150 con/m2 thì điều kiện kích thích sinh sản không phù hợp nên nghêu không thể sinh sản; vì vậy sức khỏe nghêu ổn định, không có hiện tượng nghêu chết.
Cho nên, để quản lý tình hình nuôi nghêu và khuyến cáo các HTX phòng chống dịch hiệu quả hơn, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thường xuyên tiến hành thu mẫu để kiểm tra mầm bệnh định kỳ hàng tháng trên các mẫu nước, mẫu bùn, mẫu nghêu tại HTX Rạng Đông, Đồng Tâm, Tân Thủy, Thạnh Lợi.
Các mẫu này được gởi đến Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để phân tích, theo dõi diễn biến dịch bệnh và có kế hoạch khuyến cáo kịp thời. Các HTX hàng ngày nên kiểm tra và ghi chép các yếu tố môi trường, nhiệt độ, độ mặn, pH để làm cơ sở tìm ra nguyên nhân nghêu chết, có giải pháp khắc phục.
Qua 6 đợt kiểm tra cho thấy mẫu nghêu thu được có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp, Paramophrys sp và copepod trên các đợt thu mẫu ở ngưỡng thấp và không có sự khác biệt lớn giữa các đợt thu mẫu. Mật độ vi khuẩn Vibrio sp tổng số mẫu trong nghêu cao hơn so với mật độ vi khuẩn Vibrio sp trong mẫu nước, bùn và có sự biến động tăng giảm nhất định vào các đợt thu mẫu nhưng vẫn ở ngưỡng thấp, không ảnh hưởng đến sự phát triển nghêu nuôi.
Đặc biệt, ở đợt thu mẫu lần 4, mật độ vi khuẩn Vibrio sp trong mẫu nước, bùn cao hơn gấp 10 lần so với lần thu mẫu đợt 3. Riêng đối với mẫu nghêu ở HTX Thạnh Lợi, tỷ lệ nghêu ngậm cát, nghêu yếu cao 92%, hàm lượng khí độc NH3 cao.
Từ thực tế khảo sát, đánh giá nguyên nhân nghêu chết, ngành nông nghiệp đề ra các giải pháp hạn chế thiệt hại, như: làm tốt vệ sinh sân bãi, thu gom nghêu chết chuyển ra khỏi khu vực đang nuôi nhằm tránh lây lan. San lấp các vùng trũng tại các bãi nghêu tránh hiện tượng ngập nước cục bộ, nơi có nhiệt độ cao vào buổi trưa là điều kiện kích thích nghêu sinh sản gây nghêu chết và yếu. Riêng đối với nghêu đạt kích cỡ thu hoạch, các HTX cần tiến hành khai thác để giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng nghêu chết thường xảy ra vào tháng 3, 4 hàng năm. Tình trạng trộm cắp nghêu ở một số HTX vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi nghêu, giảm hiệu quả kinh tế, gây mất an ninh trật tự.
Một số HTX không tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành chuyên môn về san thưa, di chuyển nghêu đến vùng nuôi an toàn, không chủ động kế hoạch khai thác nghêu đạt kích cỡ thương phẩm. Năng lực tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của một số HTX còn nhiều hạn chế.
Trong những ngày đầu tháng 5-2014, tại bãi biển xã Thới Thuận (Bình Đại), đã xuất hiện nghêu giống với diện tích khoảng 10ha nằm ngoài khu vực HTX Thủy sản Rạng Đông quản lý. Hàng đêm, có khoảng 500-2.000 người tập trung khai thác, chủ yếu là người dân xã Thừa Đức, Thới Thuận và một số địa phương khác.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát để hỗ trợ huyện Bình Đại có kế hoạch khai thác đúng qui định; kết hợp UBND huyện có biện pháp quản lý nhanh khu vực này; huyện Bình Đại xem xét tạm giao cho HTX thủy sản Rạng Đông quản lý.
Theo kế hoạch, năm 2014, toàn tỉnh phát triển diện tích nhuyễn thể 5.000ha, trong đó diện tích nghêu 3.950ha, sò huyết 1.050ha, tổng sản lượng 16.000 tấn (sò huyết 11.500 tấn, nghêu 4.500 tấn).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ