Hiệu Quả Từ Xã Hội Hóa Nghề Rừng
Tỉnh ta xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực ở 11 huyện miền núi. Từ Nghị định 02 về giao đất, giao rừng đến các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng sản xuất 661, 147, rừng gỗ lớn... đã cho thấy bước chuyển mạnh mẽ của nghề rừng ở xứ Thanh.
Cùng chúng tôi đến thăm những cánh rừng keo ở xã Xuân Du (Như Thanh), anh Hoàng Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “So với các xã khác trong huyện, Xuân Du có diện tích đất lâm nghiệp ít, nhưng không vì thế mà kinh tế rừng trong xã không phát triển. Kể từ ngày triển khai giao đất, giao rừng theo Nghị định 02/1994/NĐ-CP của Chính phủ cho các hộ gia đình đã thu hút được hàng trăm hộ dân trong xã nhận đất với Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sim để trồng, bảo vệ rừng”.
Theo báo cáo của Ban QLRPH Sim, hơn 5.252 ha rừng đơn vị đang quản lý; trong đó có 3.200 ha rừng phòng hộ và 2.052 ha rừng sản xuất đã được giao khoán cho 788 hộ dân các xã: Xuân Du, Xuân Thọ, Phượng Nghi, Mậu Lâm (Như Thanh) và xã Thượng Ninh (Như Xuân).
Gặp anh Nguyễn Thanh Minh, thôn 3, xã Xuân Du đang khai thác rừng keo được trồng từ năm 2003, anh hồ hởi khoe: “Cách đây hơn mười năm, gia đình tôi nhận 6 ha đất lâm nghiệp của Ban QLRPH Sim để trồng cây keo, đã khai thác một lượt 4 ha và đã trồng lại, còn 2 ha đang khai thác, ước tính thu lãi khoảng 80 triệu đồng.
Rừng đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, giúp tôi có tiền nuôi các cháu ăn học”. Niềm vui của anh Minh cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ dân nhận đất lâm nghiệp của Nhà nước để trồng rừng, phát triển kinh tế, thoát nghèo ở nhiều địa phương miền núi khác.
Không chỉ người dân trồng rừng, hiện nay, phát triển kinh tế rừng còn có sự tham gia của các chủ rừng Nhà nước mà Ban QLRPH Lang Chánh là đơn vị điển hình.
Trên diện tích 822 ha rừng thâm canh được trồng từ năm 2007, đơn vị đã triển khai xây dựng 2 mô hình chuyển hóa rừng keo gỗ nguyên liệu sang kinh doanh rừng gỗ lớn ở xã Trí Nang, với diện tích 10 ha và dự kiến trong tương lai sẽ phát triển khoảng 200 ha.
Theo tính toán sơ bộ của Ban QLRPH Lang Chánh, khi diện tích rừng gỗ lớn đến tuổi khai thác (từ năm thứ 12 đến năm thứ 15) thì trữ lượng gỗ đạt khoảng 400 – 450 m3/ha, với giá trị từ 1,2 tỷ đồng/ha trở lên.
Xã hội hóa nghề rừng ở Thanh Hóa nói chung, khu vực miền núi nói riêng còn thu hút được các nguồn vốn vay, tài trợ của các tổ chức nước ngoài.
Trong đó, phải kể đến dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3); dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa” của Chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra, còn một số dự án đang trong thời gian xây dựng, như: Dự án phát triển rừng phòng hộ ven biển (WB4), dự án rừng và đồng bằng do chính phủ Mỹ tài trợ.
Nổi bật trong các chương trình trồng rừng từ nguồn vốn vay của các nhà tài trợ chính là Dự án WB3. Mục tiêu của dự án là từ năm 2012 đến năm 2015 cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ dân để trồng rừng thương mại trên diện tích đất trống và trồng lại rừng khoảng 6.000 ha.
Trong 4 năm (từ 2011 – 2014), khu vực miền núi đã trồng mới hơn 37.633 ha rừng tập trung, bình quân mỗi năm trồng mới gần 9.000 ha rừng. Đồng thời, khoanh nuôi tái sinh 30.000 ha rừng và bảo vệ 546.455 ha rừng. Với những kết quả đạt được, cho thấy kinh tế lâm nghiệp và nghề rừng ở miền núi đã có bước chuyển theo hướng xã hội hóa.
Người dân đã thay đổi nhận thức, chuyển từ tập quán khai thác là chủ yếu sang trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ gắn với phát triển rừng kinh tế. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ dân tham gia phát triển sản xuất lâm nghiệp từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131514/Hieu-qua-tu-xa-hoi-hoa-nghe-rung
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ